Mãn nhãn với bộ sưu tập bánh trung thu của mẹ đảm Đắk Lắk
"Mỗi chiếc bánh là tất cả tâm huyết và công sức của mình. Nó mang sứ mệnh gửi gắm sự vui vẻ, hạnh phúc và ngon miệng tới mọi người", chị Nguyễn Thanh Trang (36 tuổi, Đắk Lắk) chia sẻ.
Chị Thanh Trang đang là chủ một tiệm bánh tại Quảng Sơn, Đắk Glong, Đắk Nông. Chia sẻ về cơ duyên đến với công việc làm bánh hiện tại, chị Thanh Trang cho biết xuất phát từ việc học nghề bếp Việt và sau đó thực tập trong môi trường này.
Tuy nhiên, thời gian sau chị quyết định tạm dừng sự nghiệp làm bếp để tập trung tìm hiểu và phát triển nghệ thuật làm bánh. Chị bắt đầu từ việc tham gia khóa học tại trung tâm dạy nghề và may mắn có cơ hội làm việc tại một chuỗi siêu thị, hỗ trợ tay nghề cho tổ bánh kem từ Bắc vào Nam.
“Chính điều này đã mở ra cơ hội và trải nghiệm quý báu trong việc làm bánh chuyên nghiệp của mình, đến hôm nay mình vẫn rất biết ơn cơ hội này”, chị Trang bộc bạch.
Tính đến hiện tại, tiệm bánh của chị đã có 8 năm xây dựng và phát triển. Điều này cũng cho thấy ngọn lửa đam mê cũng như nỗ lực nâng cao tay nghề làm bánh của chị Thanh Trang.
Ngoài những loại bánh kem phục vụ khách hàng trong năm, vào dịp lễ Tết quan trọng chị Trang cũng không ngại thử sức nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Dịp trung thu cũng không ngoại lệ, những chiếc bánh trung thu cũng một phần tạo nên thương hiệu riêng của chị.
Được biết, năm 2020 khi tất cả mọi người đang bắt kịp xu hướng làm bánh hiện đại hoa nổi, hoa nhấn bằng khuôn và bột mì, chị Trang đã tình cờ nhìn thấy 1 bài đăng hình ảnh bánh trung thu hoa đậu của người chị trên nhóm bánh.
Mê mẩn trước vẻ đẹp của bánh và nung nấu ước muốn được sáng tạo thêm nhiều mẫu bánh đẹp, chị Trang không chần chừ mà đăng ký học luôn khóa học. Đây đã là năm thứ 3 chị Trang làm bánh trung thu hoa đậu phục vụ khách hàng dịp này.
Theo chia sẻ của bà chủ tiệm bánh, cách làm bánh trung thu hoa đậu được chia làm 2 bước. Bước 1 là đóng bánh và nướng bánh nền, có thể dùng bánh truyền thống hoặc là vỏ bánh hiện đại đều được. Cách nướng cũng khá giống bánh nướng truyền thống, điểm khác biệt là người làm bánh không quét mặt trứng.
Bước thứ 2 là làm hoa đậu. Đây là bước đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm bánh. Chi Thanh Trang sử dụng đậu sên sẵn và phối trộn theo công thức. Sau khi đậu được trộn xong chị sẽ pha màu theo ý thích, tiếp theo là bắt hoa.
“Việc bắt hoa sẽ tuỳ vào gu thẩm mỹ và phong cách của mỗi người. Bắt hoa gắn lên bánh xong mình sẽ đem vào lò sấy từ 3-4 lần. Bánh to thì có thể sấy lâu hơn 4-5 lần”, bà chủ tiệm bánh chia sẻ.
Sau khi sấy bánh sẽ là công đoạn quét nhũ trang trí, đóng hộp thành phẩm và giao tới tay khách hàng. Công đoạn khó khăn nhất đối với chị Trang là công đoạn trộn công thức và sấy. Bởi nếu trộn không đúng thì đậu sẽ khô hoặc ướt, rất khó làm hay sấy quá lửa dễ bị cháy hoa, thấp lửa lại khiến hoa không chín.
Theo đó, thời gian để làm 1 chiếc bánh từ khâu đóng tới khâu giao bánh sẽ mất từ 4-6 tiếng. Tuy nhiên, nếu làm số lượng bánh nhiều thì thời gian sẽ lâu hơn. Vào các ngày vụ chính như thời gian này việc thức đêm để làm bánh là thường xuyên.
Chị Trang cho biết: “Mỗi khi làm xong nhìn lại thành phẩm trong tay mình rất thích. Vừa kiếm tiền vừa nâng cao tay nghề. Đa số khách đều khen bánh đẹp. Hoa tỉ mỉ và mẫu mã luôn thay đổi. Từ đó lượng khách đặt bánh mua để biếu tặng cũng tăng lên theo năm”.
Điều chị Thanh Trang hướng đến là sự ưng ý, tin tưởng của khách hàng dành cho sản phẩm. Mỗi chiếc bánh là tất cả tâm huyết và công sức của chị và mỗi chiếc bánh mang sứ mệnh gửi gắm sự vui vẻ, hạnh phúc, ngon miệng tới khách hàng.
- Bánh trung thu bán rẻ một nửa khi mua online
- Khuyến cáo phòng ngừa ngộ độc khi sử dụng bánh Trung thu
- Infographic: Bánh trung thu hãng nào ngon rẻ nhất?