Tiếp Thị Gia Đình

Thứ bảy, 17/08/2024, 12:09 (GMT+7)

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna quảng cáo sai sự thật, 'nổ' công dụng như thuốc chữa bệnh

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Insuna bị cảnh báo do vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh...

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi thông tin cảnh báo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna được quảng cáo vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, theo Cổng thông tin điện tử Cục An toàn thực phẩm.

Theo đó, trong các thông tin của Cục An toàn thực phẩm cho biết, thời gian qua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna (viên hỗ trợ điều trị tiểu đường) được quảng cáo trên các trang website, mạng xã hội vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm, nội dung quảng cáo sản phẩm này gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp. Cụ thể, tại các đường link: https://webchinhhang.vn/san-pham/vien-ho-tro-on-dinh-duong-huyet-insuna-nhat-ban-120-vien/;https://droppii.xyz/vien-ho-tro-on-dinh-duong-huyet-insuna/; https://www.pharmacity.vn/fujina-insuna-vien-tieu-duong-hop-120v.html.

Trước đó, tại thời điểm cuối tháng 4/2020, Cục An toàn thực phẩm cũng đã đưa ra cảnh báo đến người tiêu dùng về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna cùng với lý do vi phạm như trên. Theo Cục An toàn thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna do Công ty TNHH thương mại và xây lắp Meiko (địa chỉ tại số 91 Linh Lang, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) công bố, đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.

tpbvsk-insuna
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna bị Bộ Y tế "tuýt còi" do quảng cáo sai sự thật, “nổ” công dụng như thuốc chữa bệnh.

Tại buổi làm việc với Cục An toàn thực phẩm, đại diện Công ty TNHH thương mại và xây lắp Meiko khẳng định, công ty không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna tại các đường link nêu trên.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm để quyết định mua và sử dụng sản phẩm tại đường link nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh bị xử lý ra sao?

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh được quy định tại điểm b khoản 4 Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Theo đó, hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Mức xử phạt này đồng thời cũng áp dụng đối với các hành vi vi phạm sau: Quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Trong khi đó, tại khoản 2, Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 2, Điều 1 Nghị định số 128/2022/NĐ-CP) quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức, mức phạt tiền quy định nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân, còn đối với tổ chức mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.

Ngoài ra, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 3 - 5 tháng; tước quyền sử dụng giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 - 24 tháng trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng. Đồng thời, buộc cải chính thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo (theo quy định tại điểm b khoản 5; điểm a, điểm b khoản 6 Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP).

Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật

Trong một diễn biến liên quan, trước đó, vào đầu tháng 2/2024, Cục An toàn thực phẩm cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện nay, trên một số trang mạng xã hội đang có tình trạng sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm cho người sử dụng. Đặc biệt là tình trạng lạm dụng hình ảnh của các bác sỹ, dược sỹ có uy tín đã nghỉ hưu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, việc làm trên là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, không có bất kỳ thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Theo Cục An toàn thực phẩm, để mua được các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đảm bảo an toàn, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, người tiêu dùng cần chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng; khi mua, nhận sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên;

Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, trước khi mua sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, kiểm tra trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có dòng chữ “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng, đối tượng, liều dùng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có thể tìm hiểu, tra cứu thông tin liên quan đến đăng ký bản công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ và http://xacnhanquangcao.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Ở diễn biến khác, mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu về kiến nghị liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong văn bản, Bộ Y tế cho biết, việc quảng cáo thực phẩm hiện nay được quy định chặt chẽ trong Luật Quảng cáo năm 2012, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP và Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Tuy nhiên, một số tổ chức và cá nhân vẫn không tuân thủ, quảng cáo mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc vượt tính năng, công dụng được phê duyệt.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban, ngành và địa phương để tăng cường hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tên các cơ sở, sản phẩm vi phạm sẽ được công bố công khai trên các trang vfa.gov.vn và congkhaiyte.moh.gov.vn.

Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, cảnh báo về an toàn thực phẩm và khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng thực phẩm chức năng thay thế thuốc chữa bệnh. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất đưa vào văn bản quy phạm pháp luật các biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sản phẩm vi phạm và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng.

Cục trưởng An toàn thực phẩm: “Tôi choáng váng về những vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng”

Tại tọa đàm “Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng” do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức sáng 29/5/2024 tại Hà Nội, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, khoảng 80% các quảng cáo sản phẩm trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là “trá hình” thực phẩm chức năng.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm bày tỏ: “Tôi choáng váng về những vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng”.

Theo ông Phong, hiện đã có Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn về quảng cáo trong lĩnh vực y tế, bao gồm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tất cả nội dung quảng cáo đều phải được cơ quan quản lý thẩm định, cấp phép và chỉ quảng cáo đúng với nội dung đã được thẩm định.

Ông Phong cũng cho hay: “Bức xúc nhất là quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, lừa dối người tiêu dùng. Đặc biệt, quảng cáo thực phẩm chức năng thường có quảng cáo gây hiểu lầm có tác dụng điều trị như “trị dứt điểm”, “chữa khỏi bệnh”, “chấm dứt bệnh”… Đây là nội dung không bao giờ được cơ quan quản lý cấp phép thẩm định”.

“Người dùng cần biết, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là không chữa, không có tác dụng điều trị… Nếu quảng cáo như vậy là hành vi gian dối. Nguy hại của quảng cáo gian dối trong y tế như với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Không chỉ là tài chính mà còn là sức khỏe người dùng”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo ông Phong, người có bệnh nếu mua sản phẩm quảng cáo gian dối đó sẽ không thể khỏi bệnh, mà nếu mắc bệnh nặng như ung thư sẽ mất thời gian vàng điều trị bệnh.

Cùng chuyên mục