Thứ sáu, 07/06/2024, 09:56 (GMT+7)

Mạo danh bác sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo thực phẩm chức năng: Tại sao chưa quản lý được?

Pha Lê (Tiếp thị & Gia đình)

Nguyên nhân của việc không quản lý được giá thực phẩm chức năng là do chưa có quy định trong Luật Dược, thêm vào đó là tâm lý của người tiêu dùng khi đánh đồng giá cả với chất lượng.

Theo báo cáo của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, tính từ năm 2023 đến quý 1/2024, sở này đã rà soát, tổng hợp 18.790 sản phẩm thực phẩm chức năng và phát hiện 182 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm.

Theo đó, đa phần các sản phẩm này quảng cáo có công dụng là thuốc chữa bệnh; dùng hình ảnh bác sĩ, người bệnh không đúng; thiếu khuyến cáo "sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"...

Tuy nhiên, khó khăn trong công tác quản lý hiện nay là đa phần các cơ sở hoạt động kinh doanh sản phẩm chỉ là văn phòng đại diện, một số cơ sở có hợp đồng thuê văn phòng để đăng ký kinh doanh, chỉ đặt biển hiệu, không có hoạt động làm việc nên khó khăn khi liên hệ chủ cơ sở.

quang-cao-thuc-pham-chuc-nang
Đa phần các sản phẩm này quảng cáo có công dụng là thuốc chữa bệnh

Báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh về việc quản lý và sử dụng thuốc trên địa bàn để chuẩn bị cho phiên giải trình tại kỳ họp thường trực sắp tới, các cơ quan chuyên môn dành một phần không nhỏ cho thực phẩm chức năng, vấn đề nhức nhối hàng đầu hiện nay. Cùng với quảng cáo trên trời về công dụng, vấn nạn giá cả cũng là một nhức nhối không kém.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM - cho hay thị trường thực phẩm chức năng bùng nổ rất nhiều trong những năm gần đây, qua quá trình thanh tra kiểm tra phát hiện nhiều vấn đề bất cập. Nhiều thực phẩm chức năng quảng cáo quá sự thật, quảng cáo nhưng lại coi như là thuốc. Đặc biệt, tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật trên mạng xã hội như các website, Facebook, Zalo... rất đáng báo động.

Tuy quảng cáo công khai trước mắt nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý được một phần nguyên nhân là do chưa có quy định trong Luật Dược, thêm vào đó là tâm lý của người tiêu dùng khi đánh đồng giá cả với chất lượng. Trong khi đó, việc quản lý chất lượng, giá cả với hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước đều đang gặp khó bởi với đặc tính là sử dụng các dược liệu tự nhiên, nhưng đang thiếu hành lang pháp lý để quản lý.

IMG_9183
Cục An toàn thực phẩm cảnh báo sản phẩm Thập vị xoan trên một số trang mạng vi phạm quảng cáo

Chính vì vậy, những nỗ lực từ cơ quan chuyên môn hay sự chủ động của các địa phương như TPHCM là chưa đủ cho bài toán loạn thực phẩm chức năng. Đây chính là nền tảng để dự thảo Luật Dược (sửa đổi) xem xét bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo việc tiếp cận thuốc nhanh chóng, bền vững của người dân.

Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo gây bức xúc hiện nay trên mạng xã hội là "trá hình" thực phẩm chức năng. Năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 19.000 sản phẩm vi phạm, sai phạm; quý I/2024 phát hiện gần 200 sản phẩm vi phạm.

Quảng cáo sai trong lĩnh vực thực phẩm chức năng không chỉ gây thiệt hại về tài chính của người bệnh, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Bởi nếu được điều trị đúng cách, người bệnh có thể khỏi bệnh, nhưng tin theo quảng cáo sai sự thật có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh, qua thời gian điều trị vàng.

Cùng chuyên mục