Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 09/08/2024, 15:32 (GMT+7)

Hoạt động khám chữa bệnh trái phép, Daisy Beauty, Trung tâm tiêm chủng Việt Pháp 2 bị phạt nặng, đình chỉ

Cùng mắc lỗi vi phạm cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, Trung tâm tiêm chủng Việt Pháp II và hộ kinh doanh Daisy Beauty bị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt cùng mức 45 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 18 tháng.

Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Hà Nội thông tin, Thanh tra Sở Y tế vừa ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (từ ngày 29/7 - 2/8) đối với loạt cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập và lĩnh vực an toàn thực phẩm với tổng số tiền xử phạt là 274,5 triệu đồng.

Cụ thể, theo danh sách trên, 2 cơ sở thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm gồm: Công ty CP KOMBO (số 60 đường Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) bị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt 12 triệu đồng do nơi chế biến có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp không được che kín.

Công ty TNHH nước tinh khiết Villa HN (địa chỉ Đồng Chằm, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai) bị xử phạt 35 triệu đồng do sản xuất sản phẩm nước uống đóng chai Savilla (NSX: 24/06/2024; HSD: 1 năm tính từ ngày sản xuất, quy cách 19l/chai), thuộc diện tự công bố sản phẩm có chỉ tiêu vi sinh vật không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật số 6-1: 2010/BYT ngày 02/6/2010 của Bộ Y tế.

Cùng với phạt tiền, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất nước uống đóng chai của doanh nghiệp trong thời gian 2 tháng, kể từ ngày 1/8/2024. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi và buộc thay đổi mục đích sử dụng của lô sản phẩm vi phạm, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

khambenh
Hoạt động khám chữa bệnh trái phép, Daisy Beauty, Trung tâm tiêm chủng Việt Pháp 2 bị phạt nặng, đình chỉ. Ảnh minh họa.

Tiếp đến, do mắc lỗi vi phạm để tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho bảo quản bị thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc, Công ty CP tập đoàn Dược - Mỹ phẩm Vinpharma (lô D3, Cụm công nghiệp thực phẩm Hapro, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm) bị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt 25 triệu đồng.

Đáng chú ý, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã quyết định xử phạt 45 triệu đồng và đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 18 tháng đối với hộ kinh doanh Trung tâm tiêm chủng Việt Pháp II (địa điểm kinh doanh tại số 9, khu B Hà Xá, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức) về hành vi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Tương tự, cùng bị xử phạt mức 45 triệu đồng với lỗi vi phạm như Trung tâm tiêm chủng Việt Pháp II, còn có hộ kinh doanh Daisy Beauty (số 26 phố Bích Câu (tầng 2), phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa.

Đặc biệt, Công ty TNHH dịch vụ y tế Hưng Thành (số 108 Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) bị xử phạt 45 triệu đồng do quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định và buộc phải tháo gỡ, xóa bỏ nội dung quảng cáo.

Không lưu giữ chứng từ, tài liệu liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật, 4 cơ sở bị xử phạt cùng mức 15 triệu đồng, bao gồm: Công ty TNHH dược phẩm Liên Mai (số 625 Hoàng Hoa Thám, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình); Công ty CP Y Dược Pháp Âu (số 202A phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai); Công ty TNHH dược phẩm U.N.I Việt Nam (phòng 1216 tòa nhà CT4C-X2, ngõ 54 đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì); Công ty CP dược phẩm Cathay (tầng 2, tòa nhà Detech Tower, số 8 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm).

Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng đã xử phạt 7,5 triệu đồng đối với nhà thuốc An Thái (số 6-A6a (tầng 1), tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình), do không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật.

Không có giấy phép hoạt động vẫn khám chữa bệnh, xử lý ra sao?

Theo quy định tại điểm a khoản 15 Điều 7 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có quy định, trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi không có giấy phép hoạt động là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 50 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cũng quy định, nội dung của giấy phép hoạt động bao gồm các thông tin cơ bản sau đây: Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hình thức tổ chức; địa chỉ hoạt động; phạm vi hoạt động chuyên môn; thời gian làm việc hằng ngày.

Theo đó, hành vi này bị xử phạt theo quy định tại điểm a Khoản 6 Điều 39 Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BYT ngày 24/01/2022 của Bộ Y tế hợp nhất Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, áp dụng mức phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 - 24 tháng.

Ngoài ra, mức xử phạt tiền nêu trên còn đồng thời áp dụng với các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế;

Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô trên 500 giường bệnh; cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định của pháp luật.

Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Trong khi đó, theo khoản 3 Điều 56 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, vi phạm các quy định về quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh, trong đó hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng. Mặt khác, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo…

Cùng chuyên mục