Sử dụng thuốc hết hạn, Nha khoa Sài Gòn lĩnh phạt, tước chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh
Sử dụng thuốc hết hạn sử dụng, cơ sở Nha khoa Sài Gòn (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bị xử phạt 20 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với thời hạn 1 tháng.
Cổng thông tin điện tử UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) thông tin, cơ quan này đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt nhiều nhà thuốc và cơ sở nha khoa vi vi phạm trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, UBND TP Đà Lạt quyết định xử phạt đối với ông Nguyễn Hữu Viên, chủ cơ sở hộ kinh doanh nha khoa (Nha khoa Sài Gòn) tại 230 Tự Phước, phường 11, TP Đà Lạt vì có hành vi vi phạm trong hoạt động khám, chữa bệnh. Cụ thể, Nha khoa Sài Gòn đã có hành vi sử dụng thuốc hết hạn sử dụng quy định tại khoản 4, Điều 41 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Do đó, với vi phạm trên, chủ cơ sở Nha khoa Sài Gòn bị xử phạt 20 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 1 tháng.
Cũng theo UBND TP Đà Lạt, với 2 hành vi vi phạm gồm: Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược, trừ trường hợp ủy quyền khi vắng mặt theo quy định của pháp luật; không niêm yết giá bán buôn, bán lẻ bằng đồng Việt Nam; bà Phạm Thị Tuyết, chủ cơ sở hộ kinh doanh nhà thuốc Nhân Đức (33C Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7, TP Đà Lạt) bị xử phạt 6 triệu đồng.
Cùng có hành vi vi phạm người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược, trừ trường hợp ủy quyền khi vắng mặt theo quy định của pháp luật, bà Vũ Thị Thu, chủ cơ sở hộ kinh doanh nhà thuốc Alpha - Đà Lạt (địa chỉ kinh doanh tại 320 Hai Bà Trưng, phường 6, TP Đà Lạt) bị xử phạt 4 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, chủ cơ sở hộ kinh doanh nhà thuốc Nhân Hòa 5 (số 04 Hải Thượng, phường 1, TP Đà Lạt) bị xử phạt 2 triệu đồng vì có hành vi không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, do có hành vi niêm yết giá không đầy đủ, bà Nguyễn Thu Trang, chủ cơ sở hộ kinh doanh nhà thuốc Gia Hưng (20 đường Ba Tháng Tư, phường 3, TP Đà Lạt) bị xử phạt 2 triệu đồng.
Cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng thuốc hết hạn sử dụng bị xử phạt thế nào?
Tại khoản 31, Điều 2 Luật Dược 2016 quy định, hạn dùng của thuốc là thời gian sử dụng ấn định cho thuốc mà sau thời hạn này thuốc không được phép sử dụng. Hạn dùng của thuốc được thể hiện bằng khoảng thời gian tính từ ngày sản xuất đến ngày hết hạn hoặc thể hiện bằng ngày, tháng, năm hết hạn. Trường hợp hạn dùng chỉ thể hiện tháng, năm thì hạn dùng được tính đến ngày cuối cùng của tháng hết hạn.
Căn cứ khoản 2 Điều 15 Thông tư số 11/20218/TT-BYT (bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Thông tư số 03/2020/TT-BYT) quy định các trường hợp bắt buộc thuốc bị thu hồi phải tiêu hủy bao gồm: Thuốc bị thu hồi do vi phạm mức độ 1 hoặc mức độ 2; thuốc bị thu hồi do vi phạm mức độ 3, được Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) xem xét theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này và kết luận không thể khắc phục, tái xuất được; thuốc bị thu hồi do vi phạm mức độ 3 được Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) cho phép khắc phục hoặc tái xuất nhưng cơ sở không thực hiện được việc khắc phục, tái xuất.
Cùng đó là: Thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc hết hạn dùng, thuốc có chứa các chất bị cấm sử dụng, thuốc sản xuất từ nguyên liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thuốc thuộc trường hợp phải bị tiêu hủy theo quy định tại Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, mẫu thuốc lưu đã hết thời gian lưu theo quy định.
Trong khi đó, khoản 4, Điều 41 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị nội trú và trong thời gian lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi: Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc hết hạn sử dụng hoặc thuốc không bảo đảm chất lượng hoặc thuốc chưa được cấp giấy phép nhập khẩu hoặc thuốc chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành, trừ trường hợp không phải cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 1 - 3 tháng.
Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, theo khoản 5 Điều 4 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.