Thứ hai, 17/06/2024, 05:49 (GMT+7)

Nhiều vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh, phòng khám thuộc công ty Việt Đức Clinic bị tước giấy phép

Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… là một trong những hành vi vi phạm khiến Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền trực thuộc Công ty TNHH Y học cổ truyền Việt Đức Clinic bị xử phạt và tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Loạt phòng khám vi phạm hoạt động khám chữa bệnh, bị xử phạt

Sở Y tế Hà Nội vừa công khai danh sách tổng hợp xử phạt các đơn vị vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh (từ ngày 3/6 - 7/6/2024) với tổng số tiền xử phạt là 215,5 triệu đồng, Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Hà Nội thông tin.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền trực thuộc Công ty TNHH Y học cổ truyền Việt Đức Clinic (địa chỉ tại số 232 Thuỵ Khuê, phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội).

Sở Y tế Hà Nội xác định, Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền trực thuộc Công ty TNHH Y học cổ truyền Việt Đức Clinic đã có các hành vi vi phạm như: Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh không có mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cơ sở đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật.

Cùng đó, biển hiệu không có đủ các thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật; không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; không báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi người hành nghề theo quy định của pháp luật.

Do đó, với các hành vi vi phạm nêu trên, phòng khám này bị xử phạt 35 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép 3 tháng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 2 tháng.

gp
Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, trong danh sách trên, Sở Y tế Hà Nội cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 108 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Việt Đức (số 156 phố Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội) do có hàng loạt lỗi vi phạm.

Cụ thể, các hành vi vi phạm gồm: Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cơ sở đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; không báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi người hành nghề theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cơ sở này không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt, phòng khám này còn quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Ngoài phạt tiền, hộ kinh doanh Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Việt Đức còn bị Sở Y tế Hà Nội tước quyền sử dụng giấy phép 4 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 3 tháng. Đồng thời, cơ sở buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo nội dung quảng cáo trên internet.

Cũng trong danh sách xử phạt lần này, Sở Y tế Hà Nội cũng đã xử phạt Phòng khám chuyên khoa Răng hàm mặt trực thuộc Công ty CP tập đoàn Diamond Elite (địa chỉ ở số 200 Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội) 4 triệu đồng do không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp đến, do thực hiện không đầy đủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Phòng khám chuyên khoa Răng hàm mặt - Nha khoa T-SMILE (số 30 Vũ Trọng Khánh, tổ 6, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội) đã bị Sở Y tế Hà Nội xử phạt 7,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép 2 tháng…

Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh bao gồm các thông tin nào?

Căn cứ theo khoản 7 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho cơ sở có đủ điều kiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.

Trong khi đó, theo Điều 50 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có một giấy phép hoạt động và không có thời hạn. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thêm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại địa điểm khác thì mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có một giấy phép hoạt động riêng.

Nội dung của giấy phép hoạt động bao gồm các thông tin cơ bản sau đây: Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hình thức tổ chức; địa chỉ hoạt động; phạm vi hoạt động chuyên môn; thời gian làm việc hằng ngày.

Cơ sở đề nghị cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, trừ trường hợp do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động mà phải cấp mới, cấp lại, điều chỉnh.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động phải cập nhật thông tin liên quan đến việc cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động trên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Chính phủ quy định chi tiết các trường hợp, điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với từng hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 48 của Luật này; quy định mẫu giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các điều kiện đặc thù đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Khi nào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị thu hồi giấy phép hoạt động?

Điều 56 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định giấy phép hoạt động bị thu hồi trong các trường hợp sau đây: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động không đúng quy định; giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động; giấy phép hoạt động được cấp không đúng thẩm quyền; giấy phép hoạt động có sai sót thông tin; cấp sai hình thức tổ chức, phạm vi hoạt động chuyên môn; sau 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không hoạt động; 

Mặt khác, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạm dừng hoạt động từ 24 tháng liên tục trở lên hoặc chấm dứt hoạt động; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ toàn bộ hoạt động khi hết thời hạn đình chỉ mà không hoàn thành việc khắc phục đầy đủ các nội dung yêu cầu tại văn bản đình chỉ; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bảo đảm duy trì đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 49 hoặc khoản 2 Điều 52 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động.

Cùng chuyên mục