Ngang nhiên hoạt động khám chữa bệnh không phép, Nha khoa Cham Đà Lạt bị đình chỉ
Mặc dù không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, chủ cơ sở Nha khoa Cham Đà Lạt vẫn cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh. Hành vi này bị lực lượng chức năng xử phạt với số tiền 80 triệu đồng.
Mới đây, UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Nha khoa Cham Đà Lạt (địa chỉ trụ sở chính tại số 81, đường Nguyễn Công Trứ, phường 2, TP Đà Lạt), do bà Trần Quyền Trang làm chủ, theo Cổng thông tin điện tử UBND TP Đà Lạt.
Theo UBND TP Đà Lạt, Công ty TNHH Nha khoa Cham Đà Lạt đã có hành vi vi phạm cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Do đó, UBND TP Đà Lạt quyết định xử phạt Công ty TNHH Nha khoa Cham Đà Lạt với số tiền 80 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, cơ quan chức năng cũng đình chỉ hoạt động 12 tháng đối với cơ sở trên.
Được biết, thời gian qua, UBND TP Đà Lạt đã ban hành nhiều quyết định xử phạt hành chính các sơ sở khám chữa bệnh, chủ yếu là các dịch vụ thẩm mỹ nhưng vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, như: Hoạt động có biển hiệu nhưng ghi không đúng so với nội dung ghi trong giấy phép hoạt động; cơ sở không đảm bảo các điều kiện về vật chất trong quá trình hoạt động, hoạt động khám chữa bệnh mà không có giấy phép...
Cơ sở cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh không có giấy phép bị xử lý ra sao?
Căn cứ theo khoản 7 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho cơ sở có đủ điều kiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Bên cạnh đó, Điều 50 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định nội dung của giấy phép hoạt động bao gồm các thông tin cơ bản như: Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hình thức tổ chức; địa chỉ hoạt động; phạm vi hoạt động chuyên môn; thời gian làm việc hằng ngày.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 39 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, hình thức xử lý cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng.
Mức phạt này đồng thời áp dụng với các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế; không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô trên 500 giường bệnh;
Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cơ sở vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 1 - 2 năm đối với hành vi quy định tại các điểm a và đ khoản 6 Điều này.
Đáng lưu ý, mức phạt tiền đối với các vi phạm trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
- Quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh: Không biết những quy định sau dễ bị phạt rất nặng
- Hai cơ sở Medic Skin bị xử phạt, đóng cửa vì vi phạm quảng cáo và khám chữa bệnh
- Giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ thay đổi thế nào từ năm 2024?