Tiếp Thị Gia Đình

Thứ bảy, 08/06/2024, 05:47 (GMT+7)

Đang bị đình chỉ vẫn ngang nhiên hoạt động khám chữa bệnh, Phòng khám Đa khoa Đại Tín bị phạt nặng

Ngang nhiên hoạt động khám chữa bệnh và thu tiền của khách hàng dù đang trong thời gian bị đình chỉ, Phòng khám đa khoa Đại Tín tiếp tục bị Sở Y tế Bình Dương xử phạt 90 triệu đồng và đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 18 tháng.

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã công bố danh sách các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế và an toàn thực phẩm từ ngày 27/5 - 3/6/2024, theo Cổng thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Bình Dương.

Trong đó, danh sách công bố các cơ sở vi phạm có Phòng khám đa khoa Đại Tín thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Y tế Đại Tín (số 306, đại lộ Bình Dương, khu phố 1, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một). Doanh nghiệp này bị xử phạt 90 triệu đồng do có hành vi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.

Ngoài xử phạt tiền, Phòng khám đa khoa Đại Tín thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Y tế Đại Tín còn bị đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 18 tháng, kể từ ngày 27/5/2024.

pk đại tín
Phòng khám Đa khoa Đại Tín (ảnh: Internet).

Thông tin trên báo chí, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương xác nhận đã ra quyết định đình chỉ hoạt động Phòng khám đa khoa Đại Tín. Đáng chú ý, sau khi bị đình chỉ thì đại diện phòng khám này đã có đơn xin ngừng hoạt động vĩnh viễn và nộp lại giấy phép cho Sở Y tế.

Ở diễn biến liên quan, trước đó, Phòng khám đa khoa Đại Tín đã bị đình chỉ hoạt động kể từ ngày 31/12/2023 vì không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định.

Sở Y tế tỉnh Bình Dương yêu cầu Phòng khám đa khoa Đại Tín và các cá nhân có liên quan không được hoạt động khám chữa bệnh dưới bất kỳ hình thức nào kể từ ngày 31/12/2023 và chỉ được phép hoạt động trở lại khi có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, thời gian qua, phòng khám này cũng vướng nhiều “lùm xùm” liên quan việc bị nhiều người bệnh tố “vẽ bệnh moi tiền”. Người dân cũng liên tục yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử phạt.

Mặt khác, trong danh sách trên còn có 3 công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cũng bị xử phạt gồm: Công ty TNHH Ngon Như Ý (địa chỉ tại số 47/46, khu phố 8, phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một) bị xử phạt 8 triệu đồng vì có các hành vi vi phạm như nơi chế biến có côn trùng gây hại xâm nhập; không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn.

Tiếp đó, Công ty TNHH thực phẩm An Tâm Vina (địa chỉ tại số 28 đường N23, khu phố 1, phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một) bị xử phạt 28 triệu đồng. Doanh nghiệp này có 3 hành vi vi phạm: Cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp không được che kín; không thực hiện đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm.

Tương tự, với các hành vi: Không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn; cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp không được che kín, Công ty TNHH TM DV Ngọc Tú Catering TDM (số 276, đường D12, khu phố 1, phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một) bị xử phạt 12 triệu đồng.

Hoạt động khám, chữa bệnh trái phép trong thời gian bị đình chỉ, xử lý ra sao?

Theo quy định tại điểm b khoản 15 Điều 7 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có quy định, trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Theo đó, hành vi này bị xử phạt theo quy định tại Khoản 6 Điều 39 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, cơ sở vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 - 24 tháng.

Ngoài ra, mức xử phạt tiền nêu trên còn đồng thời áp dụng với các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế;

Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô trên 500 giường bệnh; cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định của pháp luật.

Cùng chuyên mục