Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 04/08/2024, 08:36 (GMT+7)

Hân Korea, Viện thẩm mỹ Dr Sơn vi phạm quảng cáo mỹ phẩm, dịch vụ đặc biệt cùng loạt doanh nghiệp bị xử phạt

Do mắc lỗi vi phạm trong quảng cáo mỹ phẩm, dịch vụ đặc biệt, Công ty TNHH thương mại Hân Korea, hộ kinh doanh Viện thẩm mỹ Dr Sơn bị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội ra quyết định xử phạt lần lượt 45 triệu đồng và 22,5 triệu đồng…

Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Hà Nội thông tin, đơn vị vừa ban hành hàng loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính (từ ngày 22/7 - 26/7) đối với 13 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập và lĩnh vực an toàn thực phẩm với số tiền 226 triệu đồng.

Cụ thể, theo danh sách xử phạt trên, cơ sở ông Nguyễn Đại Phong (Intracom1, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) bị xử phạt 2 triệu đồng do lập bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật. Cùng với phạt tiền, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng quyết định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian 2 tháng.

Bên cạnh đó, với hành vi vi phạm không niêm yết giá bán buôn tại nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược, Công ty CP thương mại dược phẩm Alado Việt Nam (số 105 ngõ 107/1 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) bị xử phạt 4 triệu đồng.

Tiếp đó, do cùng mắc lỗi vi phạm không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật, 3 nhà thuốc gồm: Nhà thuốc Bảo Vy (số nhà 102 ngõ 260 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình), nhà thuốc Gia Nam (số 171 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) và quầy thuốc Mỹ Nhung (số 60 Đức Thượng, thôn Phú Đa, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) cùng bị xử phạt mức 7,5 triệu đồng.

qcmypham
Hân Korea, Viện thẩm mỹ Dr Sơn vi phạm quảng cáo mỹ phẩm, dịch vụ đặc biệt cùng loạt doanh nghiệp bị xử phạt. Ảnh minh họa.

Tương tự, 4 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH dược phẩm Lavico (số 17, ngách 15 ngõ Đình, tổ 5, phường Đồng Mai, quận Hà Đông); Công ty CP dược phẩm AEM Việt Nam (ô 103, lô C, Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai); Công ty TNHH đầu tư phát triển Hưng Thành (số 104-B2A khu tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Hai Bà Trưng); Công ty TNHH dược phẩm Cosdecor Việt Nam (số 9 ngõ 58 Mạc Thị Bưởi, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) bị xử phạt cùng mức 15 triệu đồng. Hành vi vi phạm mà các doanh nghiệp này đã thực hiện là không lưu giữ chứng từ, tài liệu liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, với lỗi vi phạm quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định, hộ kinh doanh Viện thẩm mỹ Dr Sơn (số 53 phố Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình) đã bị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt 22,5 triệu đồng.

Đặc biệt, Công ty TNHH thương mại Hân Korea (số 11A, ngõ 9, đường 800A, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) bị xử phạt 45 triệu đồng do có hành vi vi phạm quảng cáo mỹ phẩm mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Cùng với phạt tiền, doanh nghiệp này còn buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo không đúng trên website của công ty.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, 2 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai thuộc diện tự công bố sản phẩm có chỉ tiêu vi sinh vật không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật số 6-1: 2010/BYT ngày 2/6/2010 của Bộ Y tế đã bị xử phạt 35 triệu đồng/cơ sở, đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất nước uống đóng chai trong 2 tháng kể từ ngày 25/7, kèm theo buộc thu hồi và buộc thay đổi mục đích sử dụng của các sản phẩm vi phạm, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đó là Công ty CP thương mại và đầu tư Hoàng Gia (số 305 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) sản xuất sản phẩm nước uống đóng chai Vjoyfu (NSX: 10/06/2024; HSD: 10/6/2025, quy cách 18,9 l/chai); Công ty TNHH thương mại Nhật Hưng Việt Nam (số 04, ngách 402/28/12, tổ dân phố số 7 đường Đình Thôn, phườngMỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) sản xuất sản phẩm nước uống đóng chai Mỹ Đình Pro (NSX: 12/06/2024, HSD: 12 tháng kể từ NSX, quy cách 18,9 l/chai).

Quảng cáo khi không được cấp phép, doanh nghiệp bị xử lý thế nào?

Theo khoản 12 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường, đơn cử như: Thuốc, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…

Cùng đó, Điều 20 Luật Quảng cáo 2012 quy định điều kiện chung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như sau: Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật…

Trong khi đó, khoản 1 Điều 12 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 123/2018/NĐ-CP) cũng quy định, các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt cần phải được cấp phép giấy xác nhận nội dung quảng cáo bao gồm: Thuốc; mỹ phẩm; thực phẩm, phụ gia thực phẩm; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; trang thiết bị y tế; sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật, sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư thú y; phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Theo đó, những nội dung quảng cáo thuộc danh sách các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trên phải được cấp giấy xác nhận trước khi thực quảng cáo. Trường hợp phương tiện quảng cáo là bảng quảng cáo, băng rôn hoặc tổ chức đoàn người, doanh nghiệp phải thông báo với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định tại khoản 1 Điều 30 và điểm c khoản 1 Điều 36 Luật Quảng cáo 2012.

Theo khoản 1 Điều 49 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, tổ chức có hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng.

Ngoài bị phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 1 - 3 tháng nếu quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà vi phạm 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng; và bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo.

Hành vi nào bị cấm trong hoạt động quảng cáo?

Tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định hành vi sẽ bị cấm trong hoạt động quảng cáo bao gồm: Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo 2012; quảng cáo làm tiết lộ bí mật Nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng; quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội;

Bên cạnh đó, quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật; quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép;

Song song đó, quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác. Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Mặt khác, quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; uảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ; quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em; ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn; treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

Cùng chuyên mục