Quảng cáo mỹ phẩm, bán chục nghìn mặt hàng kem dưỡng da, sữa tắm tiền tỷ, Công ty K.N Beauty có dấu hiệu trốn thuế
Trong tổng số 14.631 sản phẩm mỹ phẩm là kem dưỡng da, sữa tắm, sữa rửa mặt, kẹo giảm cân và mỹ phẩm các loại, trị giá 3,7 tỷ đồng tại trụ sở Công ty TNHH K.N Beauty, có 13.500 sản phẩm không có phiếu tiếp nhận công bố chất lượng sản phẩm.
Bán hàng online thu hàng tỷ đồng, chỉ nộp thuế 9,6 triệu đồng
Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Phú Yên thông tin, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Phú Yên vừa phối hợp Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an TP Tuy Hòa kiểm tra hành chính tại trụ sở Công ty TNHH K.N Beauty (phường 9, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) do bà Lê Thị Kim N (sinh năm 1991) làm Giám đốc.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 14.631 sản phẩm kem dưỡng da, sữa tắm, sữa rửa mặt, kẹo giảm cân và mỹ phẩm các loại, trị giá 3,7 tỷ đồng tại trụ sở của doanh nghiệp này. Trong đó, hơn 13.500 mặt hàng không có phiếu tiếp nhận công bố chất lượng sản phẩm.
Làm việc với cơ quan Công an, nữ Giám đốc doanh nghiệp khai nhận là người thành lập công ty, trực tiếp điều hành hoạt động bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok).
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 3/2020 đến nay, Lê Thị Kim N đã sử dụng pháp nhân của doanh nghiệp để ký kết các hợp đồng gia công hàng hóa; sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng cáo mỹ phẩm, tiếp cận khách hàng.
Sau khi có đơn hàng, nữ Giám đốc doanh nghiệp này đã dùng dịch vụ bưu chính viễn thông để vận chuyển, thu hộ tiền bán cho khách hàng trên toàn quốc với hơn 5.000 đơn hàng, gồm mỹ phẩm làm đẹp, sữa rửa mặt, vòng tay, rượu sâm, túi xách,... thu về hàng chục tỷ đồng nhưng không kê khai, bỏ ngoài sổ sách ghi chép, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho người mua nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước số tiền lớn.
Đáng nói, dù doanh thu từ hoạt động kinh doanh là hàng tỷ đồng nhưng để lách luật, nữ doanh nhân này đã chia nhỏ, “xé lẻ” số tiền thu được vào 7 tài khoản ngân hàng và chỉ kê khai nộp thuế hơn 9,6 triệu đồng. Trong đó, tiền thuế giá trị gia tăng chỉ hơn 750 nghìn đồng, lệ phí môn bài 8 triệu đồng, tiền phạt 840 nghìn đồng và tiền chậm nộp thuế là 40 nghìn đồng.
Hiện Công an TP Tuy Hòa đang phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Phú Yên tập trung bóc gỡ, làm rõ dấu hiệu tội phạm của cá nhân và doanh nghiệp này để xử lý trước pháp luật.
Quảng cáo mỹ phẩm mà chưa được cấp phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm bị xử phạt sao?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư số 7/VBHN-BYT, số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm là số do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp khi tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm. Số tiếp nhận Phiếu công bố có giá trị chứng nhận sản phẩm mỹ phẩm đã được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về việc mỹ phẩm sẽ được lưu thông trên thị trường mà không có giá trị chứng nhận sản phẩm đó đảm bảo tính an toàn, hiệu quả, đáp ứng tất cả các yêu cầu của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN và các phụ lục (Annexes) kèm theo.
Khoản 1 Điều 3 Thông tư này cũng quy định về việc công bố sản phẩm mỹ phẩm, theo đó, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định, quảng cáo mỹ phẩm phải có Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế.
Trong khi đó, tại Điều 51 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 4 Nghị định số129/2021/NĐ-CP) quy định vi phạm các quy định về quảng cáo mỹ phẩm, hành vi quảng cáo mỹ phẩm chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hoặc số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết thời hạn sẽ bị phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng.
Mức xử phạt này đồng thời áp dụng đối với các hành vi sau: Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định. Quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: Tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định.
Ngoài ra, phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc. Mặt khác, buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo. Lưu ý, mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
- Thu hồi lô sữa rửa mặt nhãn hàng Innisfree kém chất lượng
- Cảnh báo khẩn: Phát hiện lô thuốc điều trị ung thư kém chất lượng
- 11 lô thuốc Myomethol bị Bộ Y tế buộc tiêu hủy do kém chất lượng từng được quảng cáo rầm rộ ra sao?
- Không đáp ứng điều kiện sản xuất mỹ phẩm, hơn 200 sản phẩm sữa tắm, kem dưỡng da của Công ty Belux Việt Nam bị thu hồi, tiêu hủy
- Vi phạm phân loại, mua bán thiết bị y tế, Dược mỹ phẩm Amazon cùng loạt doanh nghiệp lĩnh phạt
- Thu hồi, tiêu hủy mỹ phẩm dầu xả Conditioner do Công ty TNHH Hùng Đông Tinh phân phối