Tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm tại cuộc họp vừa diễn ra ngày 23/8 mới đây.
Nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành y tế kiểm tra 232.702 cơ sở, phát hiện 15.046 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,46% cơ sở được kiểm tra, giảm so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân số tiền phạt đối với 1 cơ sở trong 6 tháng đầu năm 2024 là 8,69 triệu đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (4,09 triệu đồng).
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc ghi nhận 70 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.942 người mắc và 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 4 vụ (6,1%), số người mắc tăng 1.986 người, số tử vong giảm 1 người.
Nguyên nhân là do đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm có số lượng lớn người mắc liên quan đến vi sinh vật (điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột).
Đánh giá tình hình về an toàn thực phẩm thời gian qua, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM cho biết nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất lớn tới từ các chợ tự phát, điểm bán hàng không phép, bán hàng online. Bà Lan cũng nêu vướng mắc trong việc sử dụng bộ test nhanh an toàn thực phẩm, mong muốn Bộ Y tế hướng dẫn về các bộ test chuẩn.
Trong khi đó, đối với Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, thành phố bảo đảm cung ứng 60% nhu cầu thực phẩm, còn lại là nhập từ các địa phương khác và từ nước ngoài. Do đó, việc kiểm tra xuất xứ nguồn gốc là vấn đề quan trọng. Dự kiến, thời gian tới, thành phố tập trung vào kiểm tra an toàn thực phẩm trong trường học, xung quanh trường học và dịp Tết Trung thu. Ông Cương cũng nêu thực trạng về việc khó kiểm tra sản phẩm kinh doanh qua mạng, "khi phát hiện sai phạm nhưng đến kiểm tra thì địa chỉ không đúng hoặc đóng cửa, trang web không hoạt động nữa".
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, kiểm tra kênh thương mại điện tử còn khó khăn, nhiều vật tư nông nghiệp được bán qua thương mại điện tử, kể cả sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành. Đây là thách thức đối với quản lý an toàn thực phẩm.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm, Bộ đang tích cực triển khai chương trình OCOP, theo đó, đã công nhận 12.075 sản phẩm đạt chuẩn "OCOP 3 sao" trở lên, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (10.881 sản phẩm). Bộ cũng đang hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030.
Theo đại diện Bộ Công an, thời gian qua, cơ quan Công an đã quyết liệt kiểm tra về an toàn thực phẩm. 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị trong ngành Công an đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 3.060 vụ (tăng 31 vụ so với cùng kỳ năm 2023) với 3.074 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; khởi tố 6 vụ với 10 đối tượng (trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ khởi tố 1 vụ).
Xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm để cảnh tỉnh
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, có 2 yếu tố quan trọng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là tuyên truyền và xử phạt nghiêm minh. Cần có mô hình tuyên truyền hiệu quả hơn, trong đó, chú ý nêu ra các định hướng cụ thể cho người dân, tuyên truyền về kỹ năng bảo đảm an toàn thực phẩm chứ không chỉ đưa thông tin về các vụ ngộ độc. Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao các đơn vị Công an đã khởi tố nhiều vụ án về an toàn thực phẩm, có tính răn đe. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ, ngành khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm để kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành y tế.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu, trong đó, có những vấn đề nổi lên là ngộ độc thực phẩm với số lượng đông người mắc, số vi phạm phát hiện được và phải áp dụng các chế tài tăng…
Do đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất hoàn thiện thể chế về an toàn thực phẩm, trong đó đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và có đầu ra cụ thể, không nói chung chung. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương vận hành đúng công suất, thiết thực hệ thống cơ sở dữ liệu, tiếp tục đầu tư trong khả năng của mình để làm giàu cơ sở dữ liệu, kết nối với hệ thống của Bộ Y tế để vận hành một cách thông suốt. Bộ Y tế nghiên cứu, xử lý đề xuất của TPHCM liên quan đến việc sử dụng bộ test nhanh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm và truyền thông để cảnh tỉnh. TP HCM tiếp tục vận hành mô hình Sở An toàn thực phẩm, có đánh giá trong quá trình thực hiện thí điểm để đóng góp ý kiến cho Trung ương đề xuất mô hình, kiện toàn tổ chức, tăng cường nguồn lực.
Báo động liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể
Thời gian vừa qua, đã ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người tại các công ty (tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Đồng Nai); bếp ăn trường học, và cả căn tin, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học (tỉnh Khánh Hòa, TPHCM).
Đơn cử, vụ ngộ độc thực phẩm lớn sau khi ăn cơm gà tại quán Trâm Anh ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) khiến 368 người phải vào viện khám, điều trị cuối tháng 3/2024. Nguyên nhân của vụ ngộ độc này theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa không đủ cơ sở khoa học để xác định cụ thể thức ăn nào là nguyên nhân gây ngộ độc vì có thể đã xảy ra tình trạng nhiễm chéo vi khuẩn.
Chỉ sau đó 1 tháng, đầu tháng 5/2024 liên tiếp có 2 vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra tại TP HCM và tỉnh Đồng Nai. Theo đó, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) tiếp nhận 15 học sinh tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức đến cấp cứu với các triệu chứng ói, chóng mặt, chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Phụ huynh cho biết sáng 2/5, tất cả 15 em học sinh đều ăn cơm cuộn mua trước cổng trường.
Cùng thời điểm này tại Đồng Nai xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì của cơ sở bánh mì Băng (TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) khiến hơn 550 người phải đến các bệnh viện, phòng khám ở Đồng Nai theo dõi, điều trị.
Cũng tại Đồng Nai, tối ngày 15/5 cũng xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến gần 100 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam, Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai nhập viện.
Trước đó 1 ngày, vào chiều 14/5, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, phải đưa đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cấp cứu, theo dõi. Suất ăn do công ty tự nấu gồm có gà xào, súp lơ xanh, canh đỗ xanh, dưa muối...
Hay, vào ngày 13/5, 51 người trong đoàn 750 du khách đến phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy phải nhập viện tại các cơ sở y tế. Theo kết quả xét nghiệm thẩm định các mẫu thực phẩm lưu tại nhà hàng Hồng Vinh (nơi 750 du khách ăn trưa và tối) của Chi cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Bình Thuận không phát hiện vi khuẩn Salmonella và vi khuẩn E.coli trong tất cả 7 món ăn. Được biết, vào tối 12/5, một nhóm khách trong đoàn mua nhiều hộp hải sản bên ngoài mang xuống bãi biển nhậu và sáng 13/5 xuất hiện triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm…
- Sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, Hà Nội đề nghị người tiêu dùng tẩy chay
- Kids Plaza Việt Nam, Dịch vụ Kim Cương cùng loạt doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm, hành nghề y, dược bị xử phạt
- Ngăn chặn kịp thời, tiêu hủy hơn 5 tấn chân gà đông lạnh không đảm bảo an toàn thực phẩm