Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 14/08/2024, 16:07 (GMT+7)

Ngăn chặn gần 2,5 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ chuẩn bị lên bàn nhậu

Gần 2,5 tấn thực phẩm bao gồm dồi trường heo, mề gà, chân gà đã qua chế biến… để đông lạnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa bị lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu, TP HCM kiểm tra, phát hiện và thu giữ.

Tràn lan thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thông tin, lực lượng chức năng gồm QLTT và Công an tỉnh Lai Châu phối hợp vừa phát hiện và bắt giữ gần 2 tấn chân gà đã qua chế biến không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đang trên đường đi tiêu thụ.

Cụ thể, ngày 10/8, tại thị trấn Phong Thổ, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT tỉnh Lai Châu) phối hợp với Phòng PC03, Đội Cảnh sát Giao thông số 1 thuộc Phòng PC08 (Công an tỉnh Lai Châu) tiến hành khám xét xe tải nhãn hiệu Hino mang BKS: 24H-01.844. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên thùng xe tải chở hàng hóa gồm 1.000kg chân gà đã qua chế biến, đựng trong 36 bao tải đang chảy nước và bốc mùi hôi thối. Trị giá hàng hóa ước tính là 25 triệu đồng. Tiếp tục kiểm tra trên bao tải chứa đựng hàng hóa không có nhãn hàng hóa, không có thông tin căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

changa2
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lai Châu kiểm tra số hàng hóa vi phạm.

Ông N.Đ.T là lái xe kiêm chủ hàng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ để chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của hàng hóa tại thời điểm kiểm tra. Đội QLTT số 4 tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.

Cũng tại huyện Phong Thổ, ngày 9/8, tại khu vực đường giao thông Bản Sơn Bình, xã Ma Ly Pho, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT tỉnh Lai Châu) phối hợp với Phòng PC03 (Công An tỉnh Lai Châu) tiến hành kiểm tra lô hàng đang để trên đường giao thông cạnh cổng nhà ông L.V.M gồm 30 bao tải dứa màu trắng được phủ bạt màu xanh.

changa3
Cận cảnh số hàng hóa vi phạm là chân gà đã qua chế biến để đông lạnh.

Qua kiểm tra trên các bao tải chứa đựng không có nhãn hàng hóa, không có thông tin căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa bên trong là chân gà đã qua chế biến có tổng trọng lượng 930kg, trị giá ước tính là hơn 23 triệu đồng.

Quá trình làm việc xác minh, chủ lô hàng là ông L.V.M tại thời điểm khám không xuất trình được giấy tờ, tài liệu, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đội QLTT số 4 tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.

Tương tự, tại TP HCM, Đội QLTT số 9 thuộc Cục QLTT TP HCM đã kiểm tra, tạm giữ hơn 500kg thực phẩm đông lạnh không rõ xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ trị giá hàng chục triệu đồng. Trong đó, ngày 8/8, tiến hành kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đông lạnh trên địa bàn phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, lực lượng chức năng phát hiện tại đây đang chứa trữ kinh doanh thực phẩm đông lạnh không có nhãn hàng hoá theo quy định, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 400kg dồi trường heo, vú heo đông lạnh với tổng trị giá hàng hoá vi phạm căn cứ theo giá niêm yết gần 40 triệu đồng.

Trước đó, vào cuối tháng 7, cũng tại địa bàn phường Bình Chiểu, lực lượng QLTT kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đông lạnh và phát hiện tại đây đang chứa trữ kinh doanh thực phẩm đông lạnh không có nhãn hàng hoá theo quy định, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 140kg mề gà, chả cá đông lạnh có tổng trị giá hàng hoá vi phạm căn cứ theo giá niêm yết gần 10 triệu đồng, đồng thời tiến hành lập biên bản đối với doanh nghiệp trên, tạm giữ toàn bộ hàng hoá vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.

Xử phạt kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc theo quy định như thế nào?

Theo khoản 2, Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm đó là sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Khoản 13 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, tùy tính chất, mức độ của hành vi mà người thực hiện hành vi vi phạm là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm không rõ nguồn gốc thì ngoài việc bị xử phạt tiền với mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng (theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP); sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Theo khoản 4, Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b, khoản 1, Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; đối với tổ chức nếu vi phạm thì phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Cùng chuyên mục