Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 13/08/2024, 16:51 (GMT+7)

Kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị xử phạt thế nào?

Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM đã phát hiện và xử lý 15 vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc và hoạt động thương mại điện tử không đúng quy định.

Ngày 13/8, Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM thông báo từ đầu năm đến hết tháng 7/2024, các đơn vị QLTT trên địa bàn đã phát hiện và xử lý 15 vụ vi phạm liên quan đến các hành vi như kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, và không thông báo hoạt động thương mại điện tử theo quy định.

nv-3
TP HCM mạnh tay xử lý hàng nhập lậu.

Tổng cộng, 498 đơn vị sản phẩm gồm trang sức vàng, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm và nhiều mặt hàng khác, với tổng trị giá hơn 129 triệu đồng, đã bị tạm giữ. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến tổ chức, cá nhân kinh doanh online trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok.

Gần đây nhất, vào ngày 9/8, Đội QLTT số 12 phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra một hộ kinh doanh trên đường Quang Trung, P.11, Q.Gò Vấp, có hoạt động bán hàng trực tuyến.

Đoàn kiểm tra phát hiện 922 sản phẩm vi phạm, bao gồm nước hoa, túi xách, ví, thắt lưng, đồng hồ, các phụ kiện điện thoại và thiết bị massage, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nước ngoài. Các sản phẩm này không có nhãn hàng hóa theo quy định và không thể bóc tách hoặc tháo rời. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 100 triệu đồng.

Cục QLTT TP HCM cho biết tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, và gian lận thương mại vẫn không có dấu hiệu giảm. Hàng hóa từ các tỉnh thành khác được tập kết tại các kho hàng, điểm trung chuyển và được bày bán tại các tuyến phố du lịch, trung tâm thương mại, đặc biệt phục vụ cho các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Trong thời gian tới, Cục QLTT TP HCM sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, và các mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu, vàng, thuốc lá điện tử, thực phẩm, đồ uống, và thuốc chữa bệnh.

Mức xử phạt

Theo Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, người có hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị áp dụng hình phạt tiền tùy từng mức độ, có thể lên đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Bên cạnh đó, nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hoặc hàng hoá nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt con trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi thì có thể bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, tối đa có thể lên đến 200.000.000 đồng.

Cùng chuyên mục