Tìm ra nguyên nhân khiến hơn 150 công nhân công ty Sunrise Apparel Việt Nam ngộ độc thực phẩm
Nguyên nhân khiến hơn 150 công nhân công ty Sunrise Apparel Việt Nam (Phú Thọ) bị ngộ độc thực phẩm trưa ngày 28/8 được nhận định là do chất Histamin với hàm lượng cao (3806 mg/kg) có trong món cá thu ù kho trong bữa ăn.
Phát hiện chất Histamin trong món cá thu ù kho
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ) vừa công bố thông tin về việc báo cáo kết quả xét nghiệm xác định nguyên nhân và tình hình bệnh nhân vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam (địa chỉ tại Cụm công nghiệp Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy).
Báo cáo nêu rõ, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã có văn bản trả lời ngày 30/8 về việc kết quả kiểm nghiệm mẫu nghi ngộ độc thực phẩm từ mẫu xét nghiệm mẫu nôn của nạn nhân và mẫu thức ăn lưu (cá thu ù kho). Theo kết quả, hàm lượng Histamin trong mẫu nôn của 1 bệnh nhân có tên T.T.N.Y là 6,22 mg/kg; hàm lượng Histamin trong mẫu thức ăn lưu là 3806 mg/kg. Qua đó, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Phú Thọ nhận định, nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm nghi do Histamin có trong mẫu cá thu ù kho trong bữa ăn trưa của Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam ngày 28/8.
Hiện, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ đang tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Thủy và các tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm cho công ty này để sử dụng trong chế biến và cung cấp suất ăn cho Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam trong bữa trưa ngày 28/8.
Về tình hình theo dõi sức khỏe, điều trị bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, các bệnh nhân đều đã ổn định sức khỏe. Đến 10h ngày 30/8, bệnh nhân cuối cùng đã được xuất viện, trở về nhà.
Trước đó, như Tiếp thị & Gia đình đã thông tin, ngày 28/8, sau khi công nhân ăn cơm trưa tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam (tại Cụm công nghiệp Hoàng Xá, thuộc địa bàn xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), đã có 154 công nhân có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, đau bụng, một số đi ngoài. Ngay sau đó, các công nhân này đã được đưa đến các cơ sở y tế gần đó để kiểm tra sức khỏe, theo Cổng thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Phú Thọ.
Trong số công nhân phải nhập viện điều trị, 6 người có triệu trứng sốc phản vệ độ 2 như đau bụng, nôn, nổi mề đay toàn thân, khó thở nhẹ; 148 công nhân có triệu chứng nhẹ gồm đau bụng, buồn nôn.
Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện đơn vị cung cấp suất ăn là Công ty THHH thương mại dịch vụ Hoàng Thủy (trụ sở tại Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết, thực đơn bữa trưa ngày 28/8 gồm: Cá kho, rau bắp cải luộc, đậu sốt thịt và cơm trắng. Cũng trong ngày 28/8, công ty này cung cấp khoảng 3.000 suất ăn cho công nhân một số công ty trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Riêng công ty TNHH Sunrise tại Cụm công nghiệp Hoàng Xá là 825 suất ăn…
Ngộ độc Histamin nguy hiểm ra sao?
Theo Cổng thông tin điện tử Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Histamine là một amin sinh học, công thức hóa học là C5H9N3. Histamine có tính hút nước, chịu được nhiệt cao mà không bị phá hủy và liên quan trong hệ miễn dịch cục bộ cũng như việc duy trì chức năng sinh lý của ruột và hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh.
Histamine trong cơ thể được tìm thấy ở các hạt trong tế bào bạch cầu mast hoặc bạch cầu ái kiềm (tập trung nhiều ở mũi, miệng, chân; bề mặt nội mô cơ thể, và thành mạch máu); ở các tế bào ái Chrom của niêm mạc dạ dày và ở những tế bào ở một vài tổ chức như não. Chế độ ăn nhiều a-xít folic và Niaxin có thể làm tăng nồng độ Histamine trong máu và tăng giải phóng Histamine, hoặc L-histidine trong cơ thể người.
Trong tự nhiên, histamine được tạo thành từ kết quả của sự chuyển hóa từ Histidine thành Histamine bởi Histidine decarboxylase. Ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn chế biến từ cá chứa Histamine cao xảy ra ở rất nhiều nước và được phát hiện đầu tiên ở cá ngừ, cá nục, cá thu... Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do sự chuyển hóa từ Histidine thành Histamine trong thức ăn chín.
Tác dụng sinh học của Histamine biểu hiện khi Histamine kết hợp với các thụ thể Histamine trên các tế bào đặc hiệu. Có 4 loại thụ thể Histamine đã được biết đến là H1, H2, H3, H4 nhưng hiện mới biết đầy đủ được thụ thể H1 và H2. Trong đó, thụ thể H1 ở tổ chức cơ trơn, nội mạc, và hệ thần kinh trung ương. Histamine tác động gây hiệu ứng co thắt cơ trơn khí quản ruột nhưng làm giãn cơ trơn mạch máu, tăng tính thấm mao mạch gây phù nề, kích thích tận cùng dây thần kinh gây đau và gây ngứa; có thể gây ra các hội chứng viêm mũi dị ứng và bệnh tiêu chảy.
Trong khi đó, thụ thể H2 có ở các tế bào đỉnh thành dạ dày. Histamine gây tăng tiết acid dịch vị, có thể gây viêm loét dạ dày - tá tràng. Ngộ độc thực phẩm do ăn phải một lượng thức ăn có chứa hàm lượng Histamine cao vượt quá khả năng chấp nhận được của cơ thể. Ở người có cơ địa mẫn cảm thì chỉ cần ăn một lượng thức ăn có chứa hàm lượng nhỏ histamine đã gây ra dị ứng.
Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, về độc tố Histamin trong cá biển, do thịt cá có độ bền cơ học kém hơn so với các loại thịt gia súc, gia cầm, nên dễ bị nhiễm vi sinh vật. Histamine được hình thành do vi sinh vật phát triển sản sinh ra enzym và tác động gây chuyển acid amin Histidine thành Histamine trong cá như vi khuẩn Enterobacteriaceae; Morganella morganii... Vi khuẩn Morganella morganii là loài có khả năng tạo ra histamine nhiều nhất.
Histamin có đặc tính chịu nhiệt, thậm chí khi được nấu chín cũng không bị phá hủy. Vì vậy, nếu cá biển có chứa lượng histamine cao vẫn không mất đi trong quá trình đun nấu. Độc tính của histamine phụ thuộc và tổng lượng histamine ăn phải. Nếu lượng ăn vào từ 8 - 40mg histamine, người nhạy cảm sẽ bị chảy nước mắt, nước bọt; nếu lượng ăn vào từ 1.500 – 4.000 mg, người ăn có biểu hiện như nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, mạch nhanh, khó thở, nổi ban...
Ngộ độc histamine là do ăn phải các loại cá kém tươi có cơ thịt màu đỏ như cá ngừ, cá thu, cá nục, cá trích... Bệnh thường xảy ra nhanh từ một đến vài giờ sau khi ăn. Triệu chứng lâm sàng thường xuất hiện gồm: Mặt thường đỏ, mắt đỏ, khó thở do phù nề và co thắt khí quản; nổi mẩn đỏ, ngứa, có thể phát ban ngoài da; cảm giác nóng ran trong miệng, tăng tiết nước bọt, kích thích tiết dịch vị của dạ dày, gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy; mạch nhanh, hạ huyết áp do giãn mạch; có thể histamine ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh, gây ra biểu hiện nôn nao, chóng mặt, đau đầu...
Về xử lý khi bị ngộ độc Histamine, theo Cục An toàn thực phẩm, trong trường hợp bị ngộ độc nhẹ như dị ứng ngoài da, rối loạn tiêu hoá thì có thể điều trị bằng thuốc kháng Histamine (Clorpheniramin hoặc Claritin, Telfat). Trường hợp có biểu hiện nặng như mạch nhanh, huyết áp tụt, xuất tiết, khó thở cần nhanh chóng được hồi sức, cấp cứu truyền dịch bù nước và điện giải và sử dụng thuốc kháng Histamine, Corticoid. Nếu nặng cần chuyển bệnh nhân đến khoa chống độc để khám và điều trị.
Để phòng ngừa ngộ độc Histamine, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo chỉ lựa chọn cá biển còn tươi, cá được bảo quản trong nhiệt độ lạnh ngay sau khi đánh bắt, thịt cá chắc, mắt trong, mang đỏ, cắt ra còn máu đỏ tươi, bụng cá còn kín, vây cá dính chắc vào thân, mùi tanh nhẹ và giữ màu xám đặc trưng của cá. Khi chế biến cá cần phải rửa sạch và nấu chín kỹ, chế biến cá ngay sau khi mua về hoặc rã đông. Tuyệt đối không ăn cá biển ươn có biểu hiện mắt đục, bề mặt cá nhớt, mang thâm, thịt nhão, màu thịt nhợt nhạt. Đối với những người có cơ địa dị ứng khuyến cáo nên thận trọng khi ăn cá biển để không bị dị ứng khi ăn.
Theo quy định tại Thông tư số 29/2010/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàm lượng Histamine cho phép trong các loại cá biển là 100mg/kg. Người tiêu dùng không nên sử dụng thịt cá chứa hàm lượng Histamine vượt mức cho phép để bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc.
- Hơn 150 công nhân công ty Sunrise Apparel Việt Nam nghi ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế chỉ đạo nóng
- Đi du lịch Mũi Né, gần 50 du khách nhập viện nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, hướng dẫn sơ cứu ban đầu khi bị ngộ độc
- Hơn 120 công nhân nghi ngộ độc thực phẩm ở Hải Phòng, Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo khẩn