Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 21/06/2024, 14:34 (GMT+7)

Luật Quảng cáo sửa đổi: Giải quyết những bất cập trong hoạt động quảng cáo

Theo ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nếu được thông qua sẽ giải quyết những bất cập trong hoạt động quảng cáo hiện nay.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được hoàn thiện, chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 tới.

Ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhận định, Luật Quảng cáo đã triển khai được 10 năm. Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Để bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

nh 5
Ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Trong cuộc trao đổi với Tiếp thị & Gia đình, ông Nguyễn Quốc Huy đã có những chia sẻ chi tiết liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Vai trò tích cực của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

PV: Được biết, hành lang cho hoạt động quảng cáo ở Việt Nam đã được xây dựng từ năm 1994. Từ đó đến nay, chúng ta đã có hai lần sửa đổi, bổ sung chính sách (Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001 và Luật Quảng cáo 2012). Với lần sửa đổi này, Luật sửa đổi, bổ sung có những nổi bật cụ thể gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Huy: Trong lần sửa đổi này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tiếp tục giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đó là những quy định về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; phương tiện quảng cáo; hoạt động quảng cáo trên các phương tiện (điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông); biển hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; quảng cáo có yếu tố nước ngoài.

Đáng chú ý, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo. Cụ thể, Dự thảo bổ sung thêm quy định về Hội đồng thẩm định, việc phê duyệt quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo theo ngành, lĩnh vực; yêu cầu về nội dung quảng cáo, điều kiện quảng cáo; quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời trong đó có hoạt động quảng cáo trên các phương tiện bảng, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo, đoàn người thực hiện quảng cáo; nội dung, trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương.

nh 2
Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam phát biểu tại một buổi Hội thảo, đóng góp ý kiến đề xuất để Ban soạn thảo hoàn thiện Dự án Luật

Thời gian qua, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam có những đóng góp, đề xuất gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước và đặc biệt là tổ biên tập sửa đổi Luật Quảng cáo, ông đánh giá như thế nào về những ý kiến đóng góp, đề xuất của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam?

Ngay từ quá trình lập Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo và quá trình xây dựng Dự án Luật vừa qua, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã rất tích cực phối hợp, đồng hành với Cục Văn hóa Cơ sở trong việc tổ chức các cuộc Hội thảo tổng kết, đánh giá quá trình thực thi Luật Quảng cáo hiện hành, tập hợp ý kiến hội viên để đưa ra những kiến nghị cụ thể, tích cực.

Đây là cơ sở để Ban soạn thảo có cái nhìn tổng thể nhằm cân bằng lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, từ đó có những nội dung sửa đổi, bổ sung tích cực, phù hợp với sự phát triển của hoạt động quảng cáo với vai trò là một ngành công nghiệp văn hóa. Các ý kiến góp ý của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam và các doanh nghiệp đã được Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa trong quá trình hoàn thiện Dự án Luật.

Theo ông, nếu Dự thảo Luật được ban hành sẽ có tác động đến xã hội như thế nào?

Dự thảo Luật được thông qua sẽ giải quyết những bất cập trong hoạt động quảng cáo hiện nay về việc quản lý nội dung, hình thức, phương tiện quảng cáo; quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam; bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm quản lý các phương tiện quảng cáo ngoài trời và quy hoạch quảng cáo tại các địa phương.

Siết chặt quản lý các hoạt động quảng cáo

Đi vào chi tiết các nội được sửa đổi, bổ sung, ông có thể nói rõ hơn, Ban soạn thảo đã đề xuất những biện pháp gì để siết chặt quảng cáo của chuyên gia, người nổi tiếng trên mạng xã hội?

Để quản lý hình thức quảng cáo trên, Dự thảo sửa đổi khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo tại Luật Quảng cáo hiện hành. Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo bao hàm cả đối tượng thực hiện hoạt động quảng cáo thông qua các hoạt động trên mạng xã hội; bổ sung quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

nh 3
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ siết chặt quảng cáo của chuyên gia, người nổi tiếng trên mạng xã hội

Đồng thời, Dự thảo cũng bổ sung quy định về hoạt động chuyển tải sản phẩm quảng cáo của người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng như: Tuân thủ các quy định của pháp luật về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo; Phải có hợp đồng bằng văn bản; Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm trên mạng xã hội phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo.

Với đoàn người thực hiện quảng cáo, Dự thảo Luật quy định như thế nào? Vì sao, thưa ông?

Về cơ bản, các quy định về đoàn người thực hiện quảng cáo vẫn giữ nguyên như Luật Quảng cáo hiện hành. Dự thảo chỉ bổ sung quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận thông báo đoàn người thực hiện quảng cáo, giúp cho việc thực hiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân được rõ ràng, thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước tại địa phương.

Hiện nay, hình thức quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo trên các phương tiện xuyên biên giới (quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động…) ngày càng phát triển nhưng chưa có quy định chặt chẽ để quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm? Xin ông cho biết, Dự thảo Luật đã đề xuất các giải pháp quản lý như thế nào?

Hiện nay, Luật Quảng cáo đã có những quy định rất chặt chẽ về hình thức, nội dung, điều kiện quảng cáo cũng như xác định rõ những hành vi, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo. Hoạt động quảng cáo trên tất cả các phương tiện đều phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật.

Tuy nhiên, với sự phát triển của hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, Dự thảo cũng đề xuất các quy định chặt chẽ hơn về quyền, nghĩa vụ và hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (đặc biệt là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng) khi tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; việc phát hiện và xử lý vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới phù hợp với cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

nh 1
Nhiều Hội nghị, Hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến về hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Với trường hợp quảng cáo ngoài trời, nơi công cộng, Ban soạn thảo đề xuất giải pháp gì để quản lý hiệu quả, tránh việc sử dụng âm thanh, ánh sáng một cách thái quá hoặc bị tấn công gây mất trật tự giao thông, an toàn thông tin mạng?

Để tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời, đặc biệt đối với phương tiện màn hình chuyên quảng cáo, Dự thảo Luật đã bổ sung yêu cầu về độ sáng màn hình phải tuân thủ theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đồng thời chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng hợp pháp màn hình phải có trách nhiệm áp dụng biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tấn công mạng đối với màn hình thuộc phạm vi quản lý.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!

Cùng chuyên mục