Thứ sáu, 06/10/2023, 15:41 (GMT+7)

Tại sao trẻ sơ sinh ít nguy cơ nhiễm COVID-19 hơn người lớn?

Bạn có từng thắc mắc tại sao nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lại “bất khả xâm phạm” ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ trên toàn cầu không?

tre so sinh Tiepthigiadinh H1
Trẻ nhỏ hầu như "bất khả xâm phạm" đối với COVID-19, bao gồm trẻ sơ sinh được sinh ra và cho bú bởi sản phụ đang mắc bệnh

Trong đại dịch COVID-19, hầu hết trẻ sơ sinh đều không có triệu chứng khi nhiễm SARS-CoV-2. Thậm chí đa số trẻ sơ sinh còn không bị nhiễm dù trải qua những ngày đầu đời trong bệnh viện điều trị COVID-19 ngập tràn virus.

Theo Medical Xpress, công trình nghiên cứu của Đại học Tubingen (Đức) phối hợp Đại học Standford, Đại học Emory và Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi đồng Cincinati (Mỹ) đã tìm ra lời giải cho việc trên. Nhóm nghiên cứu đã xem xét phản ứng miễn dịch của trẻ sơ sinh khi phơi nhiễm với SARS-CoV-2 trong những tháng đầu đời.

Nghiên cứu thực hiện trên 27 trẻ sơ sinh có nhiễm SARS-CoV-2 tại bệnh viện Nhi đồng Cincinati, cùng 27 trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khác tuy tiếp xúc mầm bệnh nhưng vẫn luôn âm tính từ khi được sinh ra cho đến khi lấy mẫu. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng lấy mẫu của 41 bà mẹ mắc COVID-19, mẫu của 48 bệnh nhân người lớn và 10 người trưởng thành khỏe mạnh khác.

Kết quả cho thấy, trẻ sơ sinh sở hữu một dạng phản ứng kháng thể cực kỳ mạnh mà người lớn không có. Trong máu có sự điều hòa tăng cường các dấu hiệu kích hoạt trên các tế bào bẩm sinh ở trẻ em, nhưng lại không đáng kể các cytokine gây viêm. Các cytokine này tạo ra "bão cytokine" cực kỳ nguy hiểm ở người lớn trong bệnh COVID-19.

Phản ứng của tế bào B và T trí nhớ ở trẻ sơ sinh thấp hơn hẳn người lớn, tuy nhiên có sự gia tăng các tế bào T Helper 18 đa chức năng và tế bào T CD4+ loại 1, được đặc trung bởi việc sản xuất những vũ khí quan trọng của hệ miễn dịch, liên quan tới việc chống lại nhiều bệnh từ nhiễm trùng cho đến ung thư.

Phản ứng niêm mạc của trẻ sơ sinh cũng mạnh mẽ vượt trội, đặc biệt là ở các niêm mạc mũi, một lớp "áo giáp" rất tốt chống lại virus.

Những phản ứng này kéo dài lên đến 300 ngày đầu tiên từ khi trẻ được sinh ra. Tuy nhiên, chúng sẽ mất dần đi khi trẻ lớn hơn. Các nhà nghiên cứu suy đoán đây có thể là lý do khiến COVID-19 dễ nặng thêm theo độ tuổi.

Những phát hiện mới trên có thể giúp nâng cao khả năng thiết kế các công thức vaccine nhằm tận dụng các con đường kích hoạt tổ hợp phản ứng miễn dịch bẩm sinh này, tránh gây ra các phản ứng tự miễn nguy hiểm liên quan đến viêm quá mức. Cơ chế này cũng có thể được tận dụng cho nhiều bệnh khác chưa không chỉ riêng COVID-19.

Cùng chuyên mục