Suýt mất mạng do tự mua thuốc uống trị đau mắt
Với những bệnh nhân có các loại bệnh nền như tiền sử dị ứng, khi tự mua thuốc trị đau mắt có thể gây sốc phản vệ rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây mù mắt hoặc mất mạng.
Từng có tiền sử dị ứng thuốc
Ông Nguyễn Văn Hùng (52 tuổi, Mê Linh) đã từng bị sốc phản vệ nghi do dị ứng với thuốc tân dược không rõ loại. Trong đợt dịch đau mắt đỏ tăng mạnh vừa rồi, ông Hùng cũng thấy nhức mắt, ra nhiều ghèn nên đã đến tiệm thuốc tây trong xã mua thuốc về uống. Ông uống 4 loại thuốc nhưng không nhớ tên cụ thể từng loại.
Đến chiều cùng ngày, ông bị phát ban và mẩn ngứa khắp người, phản ứng dị ứng mạnh nghi do dị ứng thuốc nên ông đã được đưa đến Trạm Y tế xã sơ cứu. Sau đó ông được chuyển gấp lên bệnh viện tuyến Trung ương cấp cứu kịp thời.
Người nhà ông Hùng cho biết, ông từng có tiền sử dị ứng với thuốc tây nhưng không nhớ rõ thành phần hay loại thuốc nào. Lại nghĩ đau nhức mắt chỉ là bệnh nhẹ nên ông chủ quan, tự mua thuốc về uống mà không cung cấp thông tin tiền sử bị dị ứng cho người bán.
Ths.Bs Mai Thị Anh Thư – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, dị ứng thuốc là trường hợp cơ thể phản ứng với thành phần thuốc uống, bôi, thoa, nhỏ khiến cơ thể xuất hiện các triệu chứng dị ứng từ nhẹ như mẩn ngứa, nổi mề đay, phỏng nước trên da… đến nặng như nhịp tim nhanh, khó thở, có thể gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong.
Tùy theo cơ địa mà người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc, kể cả các loại thuốc được xem như vitamin hay thậm chí sử dụng đúng liều lượng hoặc thấp hơn.
Không chủ quan với bệnh lý dù nhẹ hay nặng
Ths.Bs Anh Thư cho biết thêm, nguyên nhân gây dị ứng thuốc là do cơ địa của người sử dụng, mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong thuốc. Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ di truyền giữa cha mẹ và con cái. Nếu cha mẹ bị dị ứng thì xác suất sinh con 50% bị dị ứng và cùng một nguyên nhân gây dị ứng.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc được đưa vào sử dụng, từ thuốc điều trị các bệnh lý đến các loại vitamin nhưng lại thiếu thông tin hướng dẫn sử dụng an toàn hợp lý. Ths.Bs Anh Thư khuyến cáo, khi thấy xuất hiện các triệu chứng dị ứng thuốc, người bệnh cần ngừng ngay tất cả các loại thuốc nhỏ mắt, bôi mắt, thuốc uống theo đường toàn thân đang dùng.
Nếu dị ứng nhẹ có thể sử dụng thuốc chống dị ứng. Trường hợp nặng như khó thở, rối loạn tiêu hoá, tức ngực, phát ban khắp người… cần phải nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Ở những người có cơ địa dị ứng, việc dùng thuốc gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, khi đã có tiền sử dị ứng thuốc hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc, người bệnh phải đặc biệt ghi nhớ loại thuốc gây dị ứng và thông báo cho bác sĩ để được kê đơn điều trị phù hợp.
Tốt nhất, người bệnh khi có biểu hiện đau mắt dù nhẹ hay nặng đều không nên chủ quan, cần đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn chữa trị, uống thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là với những người đã có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.
- Chữa viêm mắt bằng sữa mẹ, bé trai 8 tuổi bị mù một bên
- Tại sao cần khám mắt cho trẻ trước khi đi học?
- Bé trai bong võng mạc mắt vì ham đá bóng
- Loại rau nào của Việt Nam được đánh giá 'tốt nhất thế giới' với 100 điểm tuyệt đối từ CDC Mỹ?
- Từ vụ mổ cấp cứu do ăn hồng ngâm, những ai không nên ăn loại quả này?
- Nguy cơ biến chứng nặng ở người bệnh tiểu đường mắc sốt xuất huyết
- Chuyên gia chia sẻ 2 cách phát hiện ung thư
- Tình trạng đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, bác sĩ khuyến cáo gì?
- Cách tẩy tế bào chết cho da đầu tự nhiên và hiệu quả