Starbucks và loạt thương hiệu “đu trend” Blackpink một cách tử tế
“Đu trend” là việc tất yếu mà các thương hiệu cần làm để tồn tại trên MXH thời bây giờ. Nhưng đu sao cho hợp lý và tử tế thì không phải ai cũng làm được.
Sự kiện nhóm nhạc thần tượng Kpop Blackpink sẽ tổ chức concert tại Hà Nội đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong tháng 7. Theo đó, nhiều thương hiệu lớn nhỏ tại thị trường Việt Nam đã tận dụng cơn sốt này để “đu trend” nhằm thu hút những tệp khách hàng tiềm năng. Trước hành động ăn theo của hàng loạt thương hiệu, nhiều nghi vấn được đặt ra về việc có hay không việc “ăn theo mác idol” để trục lợi từ fan và idol.
Thương vụ Starbucks "đu trend" bắt tay Blackpink
Trong khi hầu hết các thương hiệu chỉ dừng lại ở việc “đu trend” tặng vật phẩm, vé xem concert thì hãng cà phê Starbucks lại “chơi lớn”, hợp tác trực tiếp với Blackpink để ra mắt thức uống mới có tên là Frappuccino theo màu sắc đen - hồng tại thị trường Việt Nam. Cùng với đó là bộ sưu tập phiên bản giới hạn “Starbucks x Blackpink” chỉ có mặt tại cửa hàng Starbucks Việt Nam.
Theo thông tin chính thức từ Fanpage Starbucks Việt Nam, phiên bản nước đặc biệt và những sản phẩm giới hạn sẽ được ra mắt vào ngày 25/7 sắp tới tại 93 cửa hàng trên 9 tỉnh thành phố. Các sản phẩm cũng phủ sóng trên gian hàng trực tuyến của Starbucks Việt Nam.
Với lần “bắt tay” này, khách hàng có thể trải nghiệm sự kết hợp hoàn hảo của thực uống có màu đen và hồng pha trộn cùng sirô dâu tây, sốt socola, sữa yến mạch phủ thêm lớp kem mịn như bông màu hồng nhạt và trái tim hình socola xinh xắn làm điểm nhấn. Món nước sẽ tạo nên sự rung cảm tinh tế như hình ảnh truyền thông được truyền tải trong album gần nhất của Blackpink mang tên Bornpink.
Sự hợp tác lần này của Starbucks x Blackpink đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực từ người dùng. Cụ thể, dưới bài đăng thông báo về phiên bản món nước đặc biệt và những sản phẩm giới hạn đã nhận về hơn 1.5000 lượt thích và gần 400 lượt bình luận chỉ sau gần 24 tiếng.
Thực tế, nhiều thương hiệu lớn toàn cầu cũng đã từng hợp tác với nhóm nhạc nữ Blackpink trong chiến dịch quảng bá thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Adidas, Puma, Pepsi, PUBG Mobile và cả sàn thương mại điện tử Shopee...
Có hay không việc “ăn theo mác idol”?
Một thương hiệu nước uống mới đây đã cho ra mắt mẫu ly giấy số lượng giới hạn dành riêng cho các "Blink". Theo đó, mẫu ly mới của thương hiệu này có 4 phiên bản với hai màu sắc hồng – đen, từng phiên bản là tên và chữ ký của các thành viên trong nhóm nhạc Hàn Quốc đình đám BLACKPINK: Lisa, Jisoo, Rosé, Jennie.
Có thể thấy, việc cửa hàng cà phê bê nguyên chữ ký của idol để in lên cốc cafe/ trà sữa và sử dụng hình ảnh những chiếc cốc này như một ấn phẩm truyền thông để chạy quảng cáo nhằm tăng doanh số nhanh chóng bị lên án bởi Fandom của Blackpink. Theo người hâm mộ, đây được xem là hành vi “trục lợi” từ fan và idol.
Tiếp đến là việc một local brand cho ra mắt mẫu áo thun thiết kế có dòng chữ thương hiệu liên quan đến chuyến lưu diễn toàn cầu Born Pink của nhóm nhạc thần tượng nổi tiếng Kpop Blackpink để bán với giá tương đối cao. Theo ghi nhận của phóng viên, chiếc áo được rao là hàng độc quyền này có giá cao gấp 5 lần áo thun thông thường.
Brand này còn đi kèm chính sách giảm giá 10% nếu mua kết hợp cùng quần hoặc chân váy. Theo nhãn hàng, doanh thu từ việc bán sản phẩm này sẽ dành để tài trợ cho các dự án quảng bá hình ảnh idol tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc này trong mặt các fan lại là hành động “kiếm lời trên chính idol của mình”
Không phải là trường hợp cá biệt, nhiều nhãn hàng khác cũng có hành động tương tự khi sử dụng màu sắc và dòng chữ tương đồng với thương hiệu.
Dưới sức nóng của cơn sốt Blackpink, những sản phẩm “ăn theo” này đã thu về lượng tiếp cận lớn. Không ít lượt bình luận hỏi xin mua, xin giá ngay dưới mỗi bài đăng của sản phẩm này, mở ra một thị trường kinh doanh ngắn hạn kiếm bội tiền trước thềm concert ngày càng trở nên nhộn nhịp.
Trả lời cho câu hỏi, có hay không việc một số nhãn hàng đang nằm không hưởng lợi từ việc “ăn theo mác idol”, nhiều người hâm mộ cho rằng việc sử dụng hình in, chữ ký, logo thương hiệu một cách tự phát như những trường hợp nêu trên là hành vi coi thường giá trị thương hiệu và sở hữu trí tuệ. Đó thực chất chỉ là một bản copy không có bất kỳ sự sáng tạo nào hết.