Siết quảng cáo sai sự thật, “nổ” công dụng thực phẩm chức năng trên mạng xã hội: Vicopro “hiến kế” bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tình trạng quảng cáo sai sự thật các sản phẩm thực phẩm chức năng tràn lan trên mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến sự lựa chọn sản phẩm, dẫn đến thiệt hại tài sản, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Siết chặt hoạt động quảng cáo trên mạng: KOL, KOC sắp hết thời làm giàu từ quảng cáo sai sự thật
Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo: Giải quyết triệt để quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng
Nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: Đã đến lúc phải tính đến biện pháp 'cấm sóng'!
Bát nháo KOL quảng cáo “nổ”, thao túng tâm lý khách hàng
Những năm gần đây, mạng xã hội đã trở thành kênh quảng cáo chủ yếu cho nhiều sản phẩm, trong đó có thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) cho thấy, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử là… "trá hình" thực phẩm chức năng. Nhiều quảng cáo không đúng sự thật, sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị y tế, bác sĩ để gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho hay, có 4 vi phạm đạo đức quảng cáo trong thực phẩm chức năng hiện nay là quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bệnh ung thư, hiểm nghèo). Thực trạng nhức nhối này không chỉ gây ra hậu quả “tiền mất, tật mang” cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, làm lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả.
Theo Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vicopro), nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng sử dụng những lời lẽ như "chữa bách bệnh", "hiệu quả tức thì", hoặc "thần kỳ" trong giảm cân, làm đẹp da, tăng cường sức khỏe. Thế nhưng, nhiều quảng cáo không dựa trên cơ sở khoa học, không được kiểm chứng, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về khả năng thực sự của thực phẩm chức năng. Hậu quả là người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm không hiệu quả hoặc gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Bộ Y tế cũng đã liên tục cảnh báo về tình trạng quảng cáo sai sự thật, "nổ" về thực phẩm chức năng, gây hiểu lầm và ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Nhiều sản phẩm được quảng cáo với công dụng "thần thánh", chữa được nhiều loại bệnh mà không có căn cứ khoa học.

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, diễn viên tham gia quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng.
Vicopro nhấn mạnh, một trong những chiêu thức quảng cáo phổ biến hiện nay là việc mời các KOL (Key Opinion Leaders) hoặc người nổi tiếng tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng. Họ thường sử dụng những lời lẽ hoa mỹ, khẳng định công dụng vượt trội của sản phẩm, tạo niềm tin và thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp KOL không tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dẫn đến việc quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Trong đó, vụ việc liên quan đến kẹo rau củ Kera là một ví dụ điển hình, khi nhiều KOL và người nổi tiếng tham gia quảng bá sản phẩm này với những lời giới thiệu không chính xác, gây tranh cãi và bức xúc trong cộng đồng mạng. Hậu quả, những người này đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Đáng nói, việc tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật dẫn đến việc người tiêu dùng mất tiền oan cho những sản phẩm không hiệu quả. Những sản phẩm kém chất lượng có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng, trong khi niềm tin của công chúng vào quảng cáo ngày càng bị xói mòn. Chưa kể, không ít sản phẩm được quảng cáo quá mức này có thể là hàng giả, hàng nhái, hoặc không rõ nguồn gốc, khiến người dùng càng thêm rủi ro.
Giải pháp nào cho cơ quan quản lý và người tiêu dùng?
Để hạn chế tình trạng quảng cáo sai sự thật và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, theo Vicopro cần có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ từ cả cơ quan quản lý Nhà nước, truyền thông xã hội và đặc biệt cần nâng cao nhận thức của chính người tiêu dùng.
Trước hết, cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch. Việc quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo, đặc biệt trên mạng xã hội là cần thiết để ngăn chặn những hành vi gian lận, quảng cáo sai sự thật.
Do đó, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, cần tiến hành kiểm tra kịp thời, đồng bộ các sản phẩm, các nội dung đăng ký hoặc tự công bố (nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, công dụng,…). Trên cơ sở kết quả kiểm tra để xử lý nghiêm minh, công khai nhằm răn đe và tạo sự công bằng trên thị trường.
Tiếp đó, Vicopro cũng nêu rõ, quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội cũng cần có những quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt là đối với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Đồng thời, cần có chế tài xử lý nghiêm đối với những hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là chế tài xử lý đối với người có ảnh hưởng (KOL và người nổi tiếng) tham gia quảng bá sản phẩm sai trái. Song song đó, cần làm việc với các nền tảng mạng xã hội để yêu cầu họ gỡ bỏ những quảng cáo vi phạm và chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát nội dung quảng cáo trên nền tảng của mình.
Đối với người tiêu dùng, trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào, đặc biệt là thực phẩm chức năng, khách hàng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm, đọc kỹ thành phần, công dụng và nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo trước những quảng cáo có lời lẽ hoa mỹ, hứa hẹn công dụng "thần thánh’’, đồng thời tích cực tìm hiểu, dựa trên các nguồn thông tin đáng tin cậy và ý kiến của chuyên gia, không tin vào quảng cáo quá mức.
Ngoài ra, các cơ quan truyền thông và các nền tảng xã hội, các nhân vật nổi tiếng trước khi tham gia cần có trách nhiệm giám sát các chiến dịch quảng cáo, đặc biệt các thông tin sản phẩm trước khi được quảng bá rộng rãi. Nếu phát hiện có dấu hiệu một sản phẩm không đảm bảo chất lượng hoặc có quảng cáo sai sự thật cần kịp thời thông tin cho các cơ quan chức năng để xử lý và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Đáng lưu ý, cần tạo dư luận xã hội phản đối mạnh mẽ đối với người làm quảng cáo, người thực hiện quảng cáo có các hành vi lừa dối, thổi phồng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi thực hiện quảng cáo sản phẩm nhất là đối với thực phẩm chức năng.
Để chấm dứt tình trạng quảng cáo không có trách nhiệm của một bộ phận người nổi tiếng hiện nay, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đưa ra nhiều quy định siết chặt hơn với quảng cáo trên không gian mạng, đặc biệt là quảng cáo sai sự thật.
Theo đó, cơ quan này đề xuất người có tầm ảnh hưởng (những người có từ 500.000 lượt theo dõi trở lên) phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về quảng cáo, cung cấp bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm... Đồng thời, chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung quảng cáo liên quan đến tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…
Liên quan đến việc xử lý các hành vi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng, sử dụng hình ảnh của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo, đại biểu Quốc hội Phan Thị Thanh Phương (TP HCM) cho hay, mặc dù quy định xử phạt các hành vi này đã được bổ sung vào dự thảo Luật, song việc áp dụng trong thực tế chưa nhiều và chưa đủ tính răn đe. Nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật khi bị phát giác cũng chỉ lên tiếng xin lỗi là xong.
Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần phải có chế tài mạnh hơn, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để làm gương, tạo tác động răn đe. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải quy định rõ hơn trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan trong hoạt động quảng cáo. Đặc biệt là trách nhiệm của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, thông tin cung cấp về sản phẩm để người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thực hiện hoạt động quảng cáo.