Nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: Đã đến lúc phải tính đến biện pháp 'cấm sóng'!
Theo nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, đã đến lúc phải tính đến biện pháp "cấm sóng" đối với các nghệ sĩ, KOLs bất chấp lợi nhuận để quảng cáo sai sự thật, gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Bất chấp vi phạm vì lợi nhuận
Năm 2021, Bộ VHTTDL và Bộ TT-TT đã ban hành hai bộ quy tắc, xem như những bản cam kết về đạo đức, trách nhiệm đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng khi tham gia các hoạt động trên nền tảng mạng xã hội, trong đó có hoạt động quảng cáo.
Tại Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật của Bộ VHTTDL, các nghệ sĩ được yêu cầu phải cung cấp thông tin chính xác, tin cậy trên báo chí, truyền thông và không gian mạng. Đặc biệt, trong vấn đề quảng cáo, người hoạt động nghệ thuật phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa…
Tương tự, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ TT-TT cũng nhấn mạnh các quy tắc phải chia sẻ thông tin chính thống, đáng tin cậy; không tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tuy nhiên, từ sau khi hai Bộ quy tắc được ban hành vẫn xảy ra không ít vụ việc nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật khiến dư luận giận dữ. Mới đây nhất là vụ việc liên quan đến những sai phạm trong quảng cáo của hai KOLs Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs. Trước đó, những cái tên được công chúng yêu mến như Cát Tường, Quyền Linh, Hồng Vân… cũng bị cộng đồng mạng lên án vì quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm.

Liên quan đến vấn đề này, nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhận định, tình trạng quảng cáo "lố", thổi phồng công dụng để bán hàng, đặc biệt ở các nghệ sĩ, KOLs, người nổi tiếng ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc đối với người tiêu dùng. Vì lợi nhuận, các KOLs, người nổi tiếng bất chấp sự thật, bỏ qua cả vấn đề đạo đức để trở thành "cầu nối" đưa đến người tiêu dùng nhiều quảng cáo sai sự thật.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, việc bán hàng online, đặc biệt qua các nghệ sĩ, người nổi tiếng mang đến thu nhập rất lớn. Đối với những trường hợp công dụng sản phẩm được thổi phồng, nói quá, phần lớn là theo kịch bản của thương hiệu, nhãn hàng thì thu nhập càng nhân lên gấp bội. Vì vậy, mức tiền phạt sai phạm theo quy định hiện nay có thể nói là con số nhỏ, không đủ sức răn đe…
Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam hầu hết chưa có thói quen phản ánh, đi đến cùng việc xử lý những hành vi quảng cáo sai sự thật để bảo vệ chính mình. Giá tiền vài chục, vài trăm ngàn một sản phẩm đôi khi cũng là nguyên nhân khiến khách hàng miễn cưỡng cho qua, vì ngại mất thời gian, công sức theo đuổi vụ việc đến khi ra chân tướng. Vấn nạn nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật vì thế ngày càng tiếp diễn, gia tăng nhiều hơn trên môi trường mạng.
Đến lúc phải tính tới biện pháp 'cấm sóng'
Theo nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn, các bộ quy tắc ứng xử vốn là những văn bản thể hiện quy phạm đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Chúng chủ yếu kêu gọi tính tự giác của người làm nghề nhưng lại không phải là những văn bản mang tính pháp lý, có tính chất ràng buộc. Trong khi đó, phần lớn các trường hợp vi phạm đều xuất phát từ sức hút của đồng tiền đã khiến các nghệ sĩ, người nổi tiếng quên đi trách nhiệm của họ đối với cộng đồng.
“Hiện nay theo quy định, hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt tối đa là 80 triệu đồng với cá nhân và 160 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, mức thù lao cho một người nổi tiếng khi quảng cáo có thể lên tới vài trăm triệu đồng. Đây là một vấn đề bất hợp lý dẫn đến tình trạng nhiều người nổi tiếng vẫn cố tình bất chấp để quảng cáo sai sự thật, vì lợi nhuận khổng lồ…”, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam bức xúc.

Để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo dự kiến sẽ tăng nặng hơn, đặc biệt có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng.
“Người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn, vì thế, ý thức trách nhiệm của họ đối với xã hội, với cộng đồng cũng phải cao hơn. Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cũng đề cập nội dung người có ảnh hưởng quảng cáo phải từng trực tiếp sử dụng sản phẩm là rất đúng, buộc người nổi tiếng hiểu rằng mỗi thông tin sai lệch bị chuyển tải đều có thể tạo nên nguy hiểm cho cộng đồng. Đặc biệt, những trường hợp đã biết luật nhưng vẫn cố tình làm sai nhất định phải bị xử lý nghiêm khắc.
Bên cạnh việc tăng nặng mức xử phạt hành chính, cần có những biện pháp mạnh hơn đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi trục lợi thông qua quảng cáo, bất chấp sự thật, chẳng hạn như có thể “cấm sóng” nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật trên mạng. Những hình phạt như vậy mới đủ sức răn đe'”, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần có hành động cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho mình. Mỗi người đều cần trở thành người tiêu dùng thông minh, nâng cao trách nhiệm để góp phần làm trong sạch hơn thị trường quảng cáo, giúp ngăn chặn quảng cáo sai sự thật.