Thứ sáu, 08/11/2024, 09:49 (GMT+7)

Siết chặt hoạt động quảng cáo trên mạng: KOL, KOC sắp hết thời làm giàu từ quảng cáo sai sự thật

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (VHGD) đề nghị tiếp tục làm rõ các quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật cần có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng.

Sáng 8/11, Quốc hội nghe Ủy ban VHGD trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Liên quan đến hoạt đông quảng cáo trên mạng, Ủy ban VHGD tán thành với việc bổ sung quy định cụ thể về quảng cáo trên mạng.

Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, Ủy ban VHGD tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục làm rõ các quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. 

Theo Ủy ban VHGD, quy định tại Điều 15a của Dự thảo Luật chưa có sự tách biệt rõ ràng về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung, dẫn đến chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Do đó, Dự thảo cần tiếp tục rà soát, có hướng dẫn cụ thể về cách thức và hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng về việc người có ảnh hưởng đang thực hiện hoạt động quảng cáo.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng chưa có quy định cụ thể về cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng “đã trực tiếp sử dụng sản phẩm” khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội cũng như chế tài xử lý.

Hướng tới hoàn thiện các quy định này, Ủy ban VHGD đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, thiết kế nội dung này theo hướng phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng. Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật cần có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 8/11. (Ảnh: Quochoi.vn)

Cũng trong sáng nay, các nội dung mới quan trọng về quảng cáo trên báo in, báo hình cũng được Ủy ban VHGD báo cáo Quốc hội. 

Về quảng cáo trên báo in (khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21), Ủy ban VHGD tán thành với quan điểm tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính.

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của độc giả, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau.

Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, với quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền, đa số thành viên Ủy ban VHGD thống nhất với ý kiến đề nghị đánh giá tác động chính sách làm rõ căn cứ để tăng tính thuyết phục cho việc sửa đổi tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền từ 5% lên 10%.

Về quảng cáo trên phim truyện, cơ bản tán thành với quan điểm sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng thời lượng quảng cáo. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, đảm bảo số lần ngắt quảng cáo trong chương trình phim truyện hợp lý để bảo vệ quyền lợi của khán giả.

Liên quan đến thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo, Uỷ ban VHGD đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn căn cứ, tác động của việc thay đổi quy định cấp giấy phép từ trên 20m2 thành 40m2; nghiên cứu bổ sung quy định cấp giấy phép cho một số loại hình quảng cáo mới…

Bài viết này thuộc series Theo dòng sự kiện

Xem thêm
Cùng chuyên mục