Siết chặt quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng: Chiêu bài hô biến thực phẩm chức năng thành 'thần dược' sắp hết thời
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng, nhất là quảng cáo qua mạng xã hội sẽ được siết chặt, các vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và công khai theo quy định hiện hành.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 8, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng.
Theo Bộ Y tế, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng, đặc biệt khó khăn khi xử lý các vi phạm nhất là trên các trang mạng xã hội, các quảng cáo từ các máy chủ ở nước ngoài.
Từ năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 126 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 16 tỷ đồng. Các địa phương đã kiểm tra gần 942.000 cơ sở, trong đó có 85.551 cơ sở có vi phạm, phạt tiền gần 20.900 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 123 tỷ đồng.
Bên cạnh các vi phạm về sản xuất thực phẩm chức năng giả, các vi phạm khác liên quan đến sản xuất thực phẩm chức năng có chứa chất cấm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đúng chất lượng đã công bố... cũng diễn ra phổ biến.
"Quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo không đúng với nội dung đã được xác nhận", Bộ Y tế nêu.
Bên cạnh đó, có tình trạng sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Thiết lập tổng đài tư vấn giả mạo bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia y tế để tư vấn không đúng về công dụng, tác dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng...
Theo lý giải của Bộ Y tế, thực trạng này xuất phát từ nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của một số tổ chức, cá nhân còn kém, vì lợi nhuận bất chấp pháp luật, sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.
"Vì lợi nhuận, nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng cao nên cố tình sản xuất thực phẩm chức năng giả, nhập khẩu thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc về dán nhãn, mác của các dòng sản phẩm của Mỹ, Canada, Nhật, Úc... cố tình quảng cáo sai sự thật bất chấp quy định của pháp luật, đạo đức nghề nghiệp", Bộ Y tế nhận định.
Bên cạnh đó, còn do năng lực phát hiện và xác định chủ thể vi phạm quảng cáo của các cơ quan chuyên môn của các ngành khác chưa theo kịp với sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật và công nghệ truyền thông, tiếp thị quảng cáo hiện nay. Đặc biệt, do khó khăn khi xử lý các vi phạm nhất là trên các trang mạng xã hội, các quảng cáo từ các máy chủ ở nước ngoài.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng, nhất là quảng cáo qua mạng xã hội.
Cơ quan chức năng công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật và có chế tài xử phạt phù hợp; bổ sung hành vi và tăng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo để đảm bảo tính răn đe.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và xử lý vi phạm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ rà soát, hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm theo quy định hiện hành...
- Luật an toàn thực phẩm, quản lý thực phẩm chức năng được đề xuất sửa đổi thế nào?
- Luật Dược sửa đổi cần tháo gỡ các vấn đề về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng
- Mạo danh bác sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo thực phẩm chức năng: Tại sao chưa quản lý được?
- Giá xăng bật tăng, có loại tăng gần 800 đồng/lít
- Rán chả lá lốt chỉ cần thêm bước này, miếng nào cũng thơm nức, xanh mướt, nhìn là muốn ăn ngay
- AI thay đổi cục diện kinh doanh: Khi trực tuyến thế chỗ mô hình truyền thống
- Giải thưởng Quảng cáo Sáng tạo Việt Nam 2024: ‘Vũ khí ngầm’ được các thương hiệu đem ra tranh tài, sức nóng chưa từng thấy
- Mạo danh nhân viên điện lực để lừa đảo khách hàng
- Cơ hội vàng để chủ xe xăng chuyển đổi sang xe điện với ưu đãi lên tới 120 triệu đồng