Thứ năm, 10/07/2025
logo
Tiêu điểm

Thêm quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng trên Shopee, TikTok

Hồng Phúc Thứ năm, 10/07/2025, 14:54 (GMT+7)

Từ ngày 1/1/2026, toàn bộ sản phẩm được kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, TikTok, Lazada... sẽ bắt buộc phải công bố chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng theo quy định mới của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Làm thế nào để không bị lừa khi mua hàng online? Cẩm nang tiêu dùng an toàn cho mọi gia đình

Mua sắm online thông minh như phụ nữ hiện đại: An toàn – Tiết kiệm – Không bị 'hớ'

Người tiêu dùng cần nắm rõ chính sách mới này để đảm bảo quyền lợi khi mua hàng online

Đây là bước tiến quan trọng nhằm tăng cường quản lý chất lượng trong môi trường thương mại số đang phát triển nhanh chóng, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến.

Theo đó, phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã được đổi mới toàn diện. Cách phân loại cũ dựa trên nhóm hành chính (nhóm 1, nhóm 2) được thay thế bằng mô hình phân loại theo ba mức độ rủi ro: thấp, trung bình và cao. Với nhóm sản phẩm có rủi ro thấp, doanh nghiệp được phép tự công bố tiêu chuẩn chất lượng áp dụng.

Đối với nhóm rủi ro trung bình, doanh nghiệp phải thực hiện đánh giá sự phù hợp có thể tự đánh giá hoặc thông qua một tổ chức chứng nhận đã được công nhận. Riêng với nhóm sản phẩm rủi ro cao, bắt buộc phải có chứng nhận từ bên thứ ba độc lập trước khi đưa ra thị trường.

anhbaitren
Từ 2026, bán hàng trên Shoppe, TikTok phải có chứng nhận đạt chuẩn theo quy định mới trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Cách tiếp cận theo rủi ro này được kỳ vọng sẽ nâng cao tính linh hoạt trong quản lý, giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường kiểm soát đối với những sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn người tiêu dùng.

Đáng chú ý, luật cũng lần đầu tiên bổ sung quy định riêng đối với hàng hóa được kinh doanh trên nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử. Cụ thể, cả người bán và chủ sở hữu các nền tảng thương mại điện tử đều phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa lưu thông trên môi trường trực tuyến. Điều này đặt ra yêu cầu minh bạch hơn trong công bố thông tin sản phẩm, cũng như tăng cường kiểm soát đầu vào đối với các mặt hàng được rao bán online, từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng cho đến đồ gia dụng, thiết bị điện tử…

Song song với đó, một hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa cấp quốc gia sẽ được xây dựng, có chức năng kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý, thu thập và xử lý phản ánh từ người tiêu dùng, hỗ trợ công tác hậu kiểm và cảnh báo rủi ro về chất lượng. Đây được xem là một trong những công cụ trọng tâm giúp nhà nước nắm bắt kịp thời tình hình thị trường và chủ động ứng phó với các vấn đề phát sinh trong thương mại điện tử.

Với những thay đổi mang tính hệ thống này, người tiêu dùng khi mua sắm online sẽ có thêm một lớp bảo vệ pháp lý, góp phần hạn chế tình trạng “tiền mất, tật mang” do mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có cơ hội chuẩn hóa sản phẩm, xây dựng niềm tin và gia tăng sức cạnh tranh trong môi trường thương mại số đang ngày càng khốc liệt.

 

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ

Cùng chuyên mục