Livestream triệu đơn, trốn thuế chục tỷ: Hồi chuông cảnh tỉnh KOLs và người kinh doanh online
Nhiều cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng online có thu nhập lớn nhưng không kê khai thuế, thậm chí cố tình sử dụng nhiều tài khoản, phân tán doanh thu, núp bóng các hình thức pháp nhân để né tránh nghĩa vụ. Các trường hợp hiện đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Kinh doanh triệu đơn, kê khai... số 0
Trong bối cảnh nền kinh tế số và công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành một xu hướng tất yếu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thay đổi toàn diện phương thức kinh doanh truyền thống. Các nền tảng TMĐT, mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube... không chỉ là kênh tiêu dùng phổ biến mà còn là môi trường kinh doanh sôi động của hàng triệu cá nhân, tổ chức, trong đó có nhiều người nổi tiếng (KOLs), influencer (người có tầm ảnh hưởng).
Bên cạnh sự bùng nổ của nền kinh tế số, các loại hình kinh doanh online ngày càng đa dạng, thậm chí xuất hiện những hình thức kinh doanh mới mẻ. Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm pháp luật về thuế ngày càng tinh vi hơn như sử dụng nhiều tài khoản khác nhau chia nhỏ doanh thu, sử dụng nhiều hệ thống sổ sách kế toán, ẩn núp dưới các mô hình kinh doanh khác nhau giữa công ty và hộ, cá nhân kinh doanh nhằm mục đích che giấu doanh thu, trốn thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Dữ liệu từ Cục Thuế TP. Hà Nội cho thấy, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng online có thu nhập lớn nhưng không kê khai thuế, thậm chí cố tình sử dụng nhiều tài khoản, phân tán doanh thu, núp bóng các hình thức pháp nhân để né tránh nghĩa vụ. Đây là hành vi không chỉ gây thất thoát ngân sách nhà nước mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng với các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Đơn cử như trường hợp cá nhân Đỗ Mạnh Cường - người sử dụng nhiều tài khoản để bán điện thoại và phụ kiện trên các sàn TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada, phát sinh doanh thu hàng trăm tỷ đồng nhưng không kê khai, không nộp thuế, gây thất thu hơn 2,5 tỷ đồng.
Gần đây nhất, trong tháng 6 và tháng 7/2025, Thuế Thành phố Hà Nội đã phối hợp Công an Thành phố Hà Nội phát hiện và xử lý 03 vụ việc liên quan 03 cá nhân có hành vi trốn thuế, cụ thể:
Vụ việc TikToker Vũ Nam Phương (Vũ Hồng Phúc - Cún Bông) và Công ty CP Dược Hoa Kỳ: Dù có doanh thu lớn cả online và tại cửa hàng, nhưng cố tình không xuất hóa đơn, không kê khai thuế đầy đủ, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 10 tỷ đồng.
Vụ việc Công ty TNHH MI Hà Nội do cá nhân Đoàn Mạnh Hòa làm Giám đốc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nhưng không kê khai gần 33 tỷ đồng, che giấu qua tài khoản cá nhân, vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra.
Vụ việc Nguyễn Thị Thu Hường (Hycloset) kinh doanh, bán hàng quần áo, giầy dép, túi xách, phụ kiện của các thương hiệu nổi tiếng thông qua mạng xã hội Facebook, phát sinh doanh thu đặc biệt lớn (gần 1.000 tỷ từ năm 2020 đến nay), nhưng không không kê khai, nộp thuế theo quy định. Địa điểm tổ chức kinh doanh livestream bán hàng tại căn hộ chung cư nên rất khó phát hiện, thủ đoạn che giấu tinh vi. Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra.
Đây là những hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng kinh doanh online, trong đó có lực lượng KOLs, người nổi tiếng – những người có ảnh hưởng lớn đến công chúng và tác động không nhỏ tới hành vi tiêu dùng.
Xóa 'vùng xám' trong kinh doanh số
Trước thực trạng trên, Cục Thuế TP. Hà Nội đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền để truyền tải chính sách thuế đến NNT đồng thời cảnh báo những hành vi vi phạm, hậu quả pháp lý và giới thiệu các mô hình kinh doanh tuân thủ tốt pháp luật, qua đó từng bước hình thành ý thức tự giác, minh bạch trong kê khai thuế của cộng đồng kinh doanh trên nền tảng số.
Thuế Thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, ứng dụng công nghệ số, phân tích dữ liệu lớn từ các nền tảng TMĐT, ngân hàng, mạng xã hội và các tổ chức có liên quan… từ đó xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý riêng đối với hộ, cá nhân kinh doanh và đã mời các trường hợp phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh online lên làm việc để tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.
Qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhiều hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là các KOC, KOS, KOL làm chủ, các cá nhân đã chủ động kê khai, khắc phục nộp vào NSNN, với số nộp trên 40 tỷ đồng. Riêng thu từ hộ, cá nhân kinh doanh nộp qua cổng TMĐT (cổng 888) đạt 1.020 tỷ đồng, chiếm 55% số nộp cả nước. Kết quả tích cực này đến từ sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan thuế các cấp và sự chuyển biến nhận thức của người nộp thuế về nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Người dân đã dần dần nhận thức rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý khi mà không thực hiện, cố tình trốn tránh.

Đối với các trường hợp đã được tuyên truyền hướng dẫn nhưng vẫn cố tình vi phạm, Thuế Thành phố Hà Nội thực hiện chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
"Kinh doanh trên nền tảng số cần song hành với trách nhiệm thuế. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, dù là doanh nghiệp lớn hay người nổi tiếng đều phải tuân thủ pháp luật.
Việc cố tình trốn thuế sẽ để lại hậu quả pháp lý nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hoạt động kinh doanh lâu dài, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Công tác quản lý thuế chỉ thực sự hiệu quả khi có sự hợp tác, ý thức chấp hành tốt từ cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Cơ quan thuế luôn đồng hành – hỗ trợ - hướng dẫn để NNT hiểu đúng, làm đúng và được hưởng đầy đủ quyền lợi hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, đối với những hành vi cố tình vi phạm, trốn tránh nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội thông tin.