Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 27/06/2024, 09:29 (GMT+7)

Luật Dược sửa đổi cần tháo gỡ các vấn đề về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các đại biểu Quốc hội nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng.

Cho ý kiến về quy định thông tin và quảng cáo thuốc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đáp ứng các yêu cầu cải cách hành chính tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Luật Dược sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng cơ chế quản lý tiền kiểm đối với quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng. Dù vậy, hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng vẫn tồn tại nhiều bất cập; nhiều quảng cáo phóng đại gây nhầm lẫn, thậm chí lừa dối người tiêu dùng tràn lan trên các kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội, gây bức xúc trong cử tri và nhân dân.

Thực tế này đặt ra câu hỏi, thực hiện chế độ tiền kiểm mà chúng ta vẫn đang còn vướng khó quản lý như vậy liệu khi chuyển sang chế độ hậu kiểm, chúng ta có thể thực hiện quản lý tốt được hay không?

.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, hoạt động quảng cáo thuốc có tính chất rất khác với các nội dung đã từng đặt ra vấn đề hậu kiểm. Đại biểu nêu thực tế, có bao nhiêu người trong số những người xem quảng cáo có đủ trình độ chuyên môn để đánh giá xem một sản phẩm thuốc hình thành từ các thành phần khác nhau có công dụng như thế nào, có tác dụng đến đâu để đánh giá được quảng cáo đó có vi phạm, có phóng đại, có gây nhầm lẫn cho người sử dụng hay không.

Vì vậy, dù quảng cáo thuốc có vi phạm, người tiếp cận quảng cáo cũng khó có thể phát hiện ra để phản hồi đến các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý, nên việc thực hiện chế độ hậu kiểm sẽ rất khó khăn. Do đó, đại biểu đề nghị vẫn tiếp tục duy trì chế độ hậu kiểm như hiện nay; đồng thời cũng cần tăng cường công tác hậu kiểm để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng trong thời gian tới.

Liên quan đến hoạt động quảng cáo thuốc trên mạng xã hội, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhận định, hiện nay đang bùng nổ việc bán thuốc, quảng cáo thuốc trên các nền tảng mạng xã hội với việc quảng cáo không đúng sự thật về công dụng, “thổi phồng” tác dụng của thuốc, bán thuốc giả, đánh đồng giữa thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng, làm nguy hại đến sức khỏe của người dân, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng và một mức độ nào đó đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế. Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu xây dựng các quy phạm chặt chẽ hơn trong kinh doanh dược.

Về nội dung quảng cáo, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề xuất giao cho người chuyên môn về loại thuốc đó thực hiện quảng cáo và khi quảng cáo thuốc không được như chỉ định kê đơn. Theo đại biểu này, đây là biện pháp nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi chính đáng của nhân dân, đặc biệt là bệnh nhân nhiễm bệnh ác tính.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định sẽ tiếp thu, nghiên cứu để phối hợp cùng cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo Luật Dược sửa đổi trong thời gian tới để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội trong Kỳ họp tới.

Hiện dự thảo Luật Dược sửa đổi đang trong quá trình lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động nhằm bảo đảm tính minh bạch, dân chủ, khả thi trong từng quy định của dự thảo luật. Dự thảo dự kiến được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

Cùng chuyên mục