Thứ năm, 26/09/2024, 09:29 (GMT+7)

Kiến nghị người nổi tiếng phải trực tiếp dùng sản phẩm trước khi quảng cáo, liệu có khả thi?

Pha Lê (Tiếp thị & Gia đình)

Trước kiến nghị nghệ sĩ, KOL phải trực tiếp dùng sản phẩm trước khi quảng cáo, một số ý kiến cho rằng, rất khó để kiểm chứng việc người nổi tiếng có thực sự sử dụng sản phẩm hay không. Điều quan trọng là cần truy trách nhiệm liên đới nếu xảy ra khiếu nại liên quan đến sản phẩm, nhãn hàng được quảng cáo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37, sáng 24/9.

Sáng 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Theo Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, dự luật bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và yêu cầu trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật.

Theo đó, người chuyển tải có các trách nhiệm như cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu...

bo-truong-nguyen-van-hung
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: quochoi.vn)

"Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng có trách nhiệm thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện quảng cáo; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Thẩm tra nội dung này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng. 

IMG_0124
Nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm với nội dung mình quảng cáo

Song, cơ quan thẩm tra đề nghị cần tiếp tục rà soát, có hướng dẫn cụ thể về cách thức và hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng về việc người có ảnh hưởng đang thực hiện hoạt động quảng cáo.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho hay thực tế một số người dùng mạng xã hội, đặc biệt các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội giới thiệu, quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chưa đảm bảo chất lượng, gây băn khoăn, bức xúc cho cộng đồng.

Do vậy, quy định này phải đảm bảo, yêu cầu tính trung thực của quảng cáo, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

“Hiện nay, không chỉ có quảng cáo về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm mà nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng còn quảng cáo, giới thiệu cho các quán ăn, cửa hàng. Do vậy, quy định để đầy đủ chứ không chỉ tiếp cận, sử dụng sản phẩm...”, bà Hải nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng phản ánh tình trạng quảng cáo hiện nay "thổi phồng" mọi thứ, trong đó có những thứ tác dụng ít nhưng quảng cáo coi như bách bệnh đều chữa được. “Cần phải làm rõ xem trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm. Bởi các quảng cáo chủ yếu dựa trên cơ sở thông tin do doanh nghiệp cung cấp”, ông Thanh đề nghị.

Kiến nghị này được đông đảo bạn đọc quan tâm. Bạn đọc Hồng Phúc cho rằng quảng cáo sai sự thật là hành vi tuyên truyền, lừa đảo khách hàng, có thể dẫn đến hậu quả xấu đối với sức khỏe, tính mạng của con người. Đây có thể coi là hành vi phạm pháp, nếu bị tố cáo có chứng cứ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy mới đủ sức răng đe.

Đối với kiến nghị "người nổi tiếng phải trực tiếp dùng sản phẩm trước khi quảng cáo”, độc giả Hồng Phúc cho rằng khó khả thi, vì trên thế giới có nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng nhận hợp đồng quảng cáo của các hãng mỹ phẩm nhưng vẫn không dùng, đó là quyền lựa chọn sản phẩm của họ, còn chất lượng của sản phẩm có đúng quảng cáo hay không là trách nhiệm của cơ quan kiểm định của nhà nước. Sản phẩm không thể dùng có hiệu quả tức thì mà cần thời gian, vậy thời gian đó họ không sử dụng thì ai là người kiểm định vấn đề này?.

"Đặt ví dụ nghệ sĩ, người nổi tiếng có dùng thì cơ sở nào khẳng định chất lượng hàng y chang quảng cáo? Dựa vào đâu để khẳng định nghệ sĩ nói gì cũng đúng 100%? Tại sao người dân dùng thuốc lại phải trông chờ vào sự đánh giá chất lượng sản phẩm của nghệ sĩ", bạn đọc Song Thu viết.

Bạn đọc Xuân Biên chia sẻ, phải truy trách nhiệm liên đới nếu xảy ra khiếu nại, sự cố liên quan đến sản phẩm, nhãn hàng được quảng cáo. "Không nên quy định phải dùng sản phẩm trước khi quảng cáo vì nghệ sĩ, người nổi tiếng không có nhu cầu thì sao yêu cầu họ được, ai quản lý việc họ sử dụng hay không". Bạn đọc Xuân Biên kiến nghị, sau khi cơ quan chức năng kiểm nghiệm chất lượng sản phảm, Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép cho người nổi tiếng quảng cáo dựa vào kết quả kiểm nghiệm. Nếu người nổi tiếng quảng cáo khi chưa được cấp phép thì xử phạt thật nặng để răn đe.

“Điều này không khả thi, sẽ chẳng ai chứng minh được nghệ sĩ, người nổi tiếng có dùng sản phẩm hay không? Cách tốt nhất là ngoài giấy tờ được cơ quan chức năng cấp phép thì những người nổi tiếng này phải chịu trách nhiệm hình sự gấp đôi cùng với người bán hàng và sàn thuơng mại, nếu có vấn đề gì xảy ra đối với người tiêu dùng hoặc nếu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm khi kiểm tra ngẫu nhiên trên sản phẩm đó, có như vậy mới bảo vệ được người tiêu dùng”, bạn đọc Đặng Hinh nói.

Đồng quan điểm về vấn đề này, bạn đọc Toàn Nguyễn cho biết, hàng giả, hàng kém chất lượng... phải do cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra giám sát. Ai buôn bán hàng giả hàng kém chất lượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ không cần dùng thử hay là không. Làm như vậy sẽ công bằng với tất cả ai kinh doanh chứ không phải riêng người nổi tiếng.

Còn bạn đọc Nhuỵ Nguyên cho rằng, ủng hộ dự luật này. "Bấy lâu nay tôi thắc mắc là những người review (nhận xét) mỹ phẩm, ai mà dám bôi thoa tất cả sản phẩm họ quảng cáo lên mặt. Da mặt nào chịu nổi".

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2024.

Cùng chuyên mục