Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 25/09/2024, 12:44 (GMT+7)

Quảng cáo 'rác' qua tin nhắn, cuộc gọi sắp hết thời 'được nước làm càn'

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được điều chỉnh theo hướng bao quát các hình thức quảng cáo trên môi trường mạng. Theo đó, hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới qua thư điện tử hay các thiết bị viễn thông sẽ bị siết chặt quản lý.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam, sáng ngày 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 37. Tại đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày về dự án Luật, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung về quảng cáo trên mạng.

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. (Ảnh: Quochoi.vn)

Các ý kiến phát biểu nêu rõ, hiện nay thị trường quảng cáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống sang quảng cáo trên không gian mạng hay là nền tảng số. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quảng cáo trên mạng rất quan trọng.

Cũng theo các đại biểu, dự thảo luật mới cần tiếp tục đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, đồng thời rà soát với các cam kết quốc tế để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng, không gian mạng hay là nền tảng số, nhằm đảm bảo tính khả thi và dự báo cao.

Quan tâm đến vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, thực tế đang đòi hỏi không chỉ quản lý với quảng cáo trên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube, Twitter, Zalo, Instagram mà còn cần quản lý với quảng cáo trên các hình thức qua thư điện tử, các thiết bị viễn thông (tin nhắn SMS hay quảng cáo hiển thị trực tuyến).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. (Ảnh: Quochoi.vn)

Trong khi đó, các quy định sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật chỉ liên quan đến việc điều chỉnh hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội mà chưa bao quát được hoạt động quảng cáo khác trên không gian mạng nói chung. 

Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị sửa đổi tên của khoản 11, Điều 1 của dự thảo Luật và các nội dung của Điều này để bao quát hết các hình thức quảng cáo trên không gian mạng. Đồng thời rà soát các điều khoản khác như vậy để bảo đảm phù hợp với các quy định liên quan tại Luật An ninh thông tin mạng.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề xuất việc bổ sung quy định quảng cáo trên mạng cần đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận. (Ảnh: Quochoi.vn)

Kết thúc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, trong đó hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành luật, Báo cáo đánh giá tác động và các tài liệu có liên quan theo ý kiến góp ý của Cơ quan chủ trì thẩm tra và các ý kiến phát biểu tại Phiên họp. Đồng thời, lưu ý, một số quy định của dự thảo Luật cần được tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của người tiêu dùng, của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo. 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2024.

Cùng chuyên mục