Chuyên gia tiết lộ chiến lược quảng cáo trên mạng xã hội an toàn và hiệu quả, giúp doanh nghiệp 'đánh đâu trúng đó'
Luật sư Phạm Xuân Nghĩa - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nghĩa cho rằng, quảng cáo trên mạng xã hội như “con dao 2 lưỡi”. Nếu không đi đúng hướng, doanh nghiệp có thể tự huỷ hoại thương hiệu của mình.
Phóng viên Tiếp thị & Gia đình đã có buổi phỏng vấn Luật sư Phạm Xuân Nghĩa - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nghĩa để hiểu rõ về hành lang pháp lý áp dụng cho doanh nghiệp quảng cáo trên mạng xã hội.
- Ông đánh giá như thế nào về hình thức quảng cáo trên mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay?
Quảng cáo trên mạng xã hội là một hình thức quảng cáo mạng kỹ thuật số và trực tuyến. Nó đã trở thành một phương tiện truyền thông tiếp thị hiệu quả vì tính phổ biến của truy cập nội dung trên Internet. Đây là hình thức quảng cáo truyền thông xã hội mới nhất và phát triển nhanh nhất. Internet hiện cung cấp mọi thứ từ liên kết đến trang website, quảng cáo biểu ngữ trên trang website, quảng cáo nhỏ trên trang website, quảng cáo trả tiền cho mỗi lần nhấp chuột.
- Những rủi ro pháp lý nào mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi quảng cáo trên mạng xã hội, thưa ông?
Có rất nhiều dạng trong truyền thông xã hội, trong đó sử dụng các công cụ trực tuyến và nền tảng số trong việc chia sẻ và thảo luận thông tin như thông qua video, blog, và sách trực tuyến, từ đó giúp công ty tiến hành hoạt động kinh doanh của mình; đặc biệt là hoạt động quảng cáo trực tuyến.
Khi doanh nghiệp thực hiện chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội tại Việt Nam, họ có thể gặp phải một số rủi ro pháp lý do quy định nghiêm ngặt của pháp luật Việt Nam liên quan đến nội dung quảng cáo, phương thức quảng cáo, và quyền lợi của người tiêu dùng.
Một số rủi ro pháp lý mà doanh nghiệp có thể đối mặt gồm: Vi phạm nội dung quảng cáo, sử dụng hình ảnh, thông tin mà không có sự cho phép, vi phạm quy định về quảng cáo liên quan đến trẻ em, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, vi phạm quy định về quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, văn hóa.
- Làm thế nào để doanh nghiệp bảo đảm rằng nội dung quảng cáo của họ tuân thủ các quy định về bản quyền và sở hữu trí tuệ?
Để doanh nghiệp có thể đảm bảo rằng nội dung quảng cáo của mình không vi phạm các quy định về bản quyền và luật sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ trước khi thực hiện quảng cáo.
Sử dụng sản phẩm gốc: Khi tạo ra tác phẩm dùng để quảng cáo, doanh nghiệp nên tự mình sáng tạo ra tác phẩm, hoặc mua lại quyền sử dụng tác phẩm để tác giả để tránh các rủi ro pháp lý khi sử dụng sản phẩm.
Xin phép sử dụng bản quyền: Trong một số trường hợp cần mượn âm thanh, hình ảnh, nội dung từ những sản phẩm khác. Công ty cần liên hệ với chủ sở hữu quyền tác giả.
Tôn trọng thương hiệu, nhãn hiệu: Doanh nghiệp không nên sử dụng những logo, thương hiệu hoặc nhãn hiệu của cá nhân, pháp nhân khác khi chưa có sự đồng ý của họ.
Tham khảo ý kiến từ chuyên gia: Khi lên ý tưởng thiết kế quảng cáo, doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến từ những người có kiến thức chuyên môn về pháp luật như bộ phận pháp chế doanh nghiệp, luật sư hoặc các công ty làm dịch vụ pháp lý.
Đôi khi, doanh nghiệp cần hợp tác với bên thứ ba để tạo ra tác phẩm quảng cáo. Vậy nên, doanh nghiệp cũng cần phải tìm hiểu rõ ràng về đối tác, nghiên cứu kĩ những điều khoản trong thỏa thuận, hợp đồng trước khi giao kết để tránh những rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong tương lai.
Quan trọng nhất, khi thực hiện bất cứ hoạt động gì, doanh nghiệp cũng cần phải tuân thủ quy định của pháp luật như Bộ luật dân sự, luật doanh nghiệp, luật thương mại, Luật sở hữu trí tuệ,…
- Có những quy định nào về việc sử dụng thông tin cá nhân của người dùng trong quảng cáo trên mạng xã hội?
Các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam đều yêu cầu việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân của người dùng phải có sự đồng ý của người dùng và phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ quyền riêng tư như Luật An toàn thông tin mạng 2015 tại điều 16, 17, 18,19; hay như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định tại điều 15; Luật An ninh mạng 2018 được quy định tại điều 17, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử,…
- Luật sư có thể chia sẻ một số ví dụ về các vụ kiện hoặc tranh chấp liên quan đến quảng cáo trên mạng xã hội không?
Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành kiểm tra, xử phạt nhiều thương hiệu, doanh nghiệp vi phạm. Điều này cho thấy, doanh nghiệp cần phải tự nâng cao nhận thức về vấn đề này.
Việc xử lý nghiêm các vi phạm về quảng cáo trên mạng xã hội có tính răn đe, từ đó, các tổ chức, doanh nghiệp có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc xây dựng môi trường số an toàn.
Đơn cử như, vụ tranh chấp cụ thể liên quan đến quảng cáo trên mạng xã hội vào năm 2020, hãng xe điện Pega đã có ra mắt dòng xe eSH lấy cảm hứng từ chiếc xe ga cao cấp SH của Honda Việt Nam. Trong buổi ra mắt sản phẩm xe điện Pega eSH (được livestream trên Facebook), Pega đã có hành vi quảng cáo xe eSH bằng phương pháp so sánh trực tiếp với xe ga Honda SH trên các nền tảng mạng xã hội.
Honda yêu cầu Pega phải cải chính công khai bằng văn bản thông báo, gỡ hình ảnh, lời nói so sánh với xe SH đăng tải trên chính fanpage Facebook PEGA-HKbike và các phương tiện thông tin đại chúng đồng thời chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, thông tin liên quan đến xe SH của Honda Việt Nam trên bất kỳ bài quảng cáo/bài đăng/hình ảnh hay video nào khác kể từ ngày nhận được thông báo và cam kết không tái diễn trong tương lai.
Doanh nghiệp nên làm gì để xây dựng 1 chiến lược quảng cáo trên mạng xã hội an toàn và hợp pháp
Khi triển khai các chiến dịch truyền thông, các doanh nghiệp nên lựa chọn đơn vị uy tín, ưu tiên quảng cáo trên các hạ tầng truyền thông tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam để đảm bảo thương hiệu tới công chúng bằng hình ảnh đẹp, nâng cao giá trị và uy tín cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần có bộ phận chuyên trách theo dõi để biết các quảng cáo của mình xuất hiện ở đâu, gắn với các nội dung như thế nào. Tránh vì uỷ quyền toàn bộ công việc này cho đối tác mà tự rơi vào rủi ro.
Các doanh nghiệp lớn đều quan tâm đến an toàn thương hiệu, sẵn sàng rút quảng cáo ra khỏi các nền tảng không kiểm soát được nội dung độc hại. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể do thiếu nhân lực chưa quan tâm đầy đủ tới vấn đề này.
Để xây dựng một chiến lược quảng cáo trên mạng xã hội an toàn và hợp pháp, doanh nghiệp nên thực hiện các bước từ việc nghiên cứu các quy định của pháp luật, xác định rõ mục tiêu cụ thể cho chiến dịch chạy quảng cáo như tăng độ nhận diện cho thương hiệu, tăng doanh số bán hàng hay tăng tương tác với khách hàng.
Qua đó, doanh nghiệp phải nghiên cứu và xác định đặc điểm của đối tượng, khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp muốn hướng tới để tạo nội dung phù hợp. Từ đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn những nền tảng mạng xã hội phù hợp với các đối tượng và loại nội dung mà doanh nghiệp muốn truyền tải, ví dụ như facebook, tiktok, instagram,….
Ngoài ra, doanh nghiệp nên đảm bảo nội dung quảng cáo hấp dẫn, sáng tạo, gây sự tò mò yêu thích đồng thời cũng phải tuân thủ quy định của từng nền tảng. Nội dung đăng tải phải trung thực và không gây hiểu lầm.
Đặc biệt, phải tuân thủ các quy định về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư. Cần có chính sách rõ ràng và thông báo cho người dùng về cách bảo mật thông tin cá nhân.
- Mở rộng 'danh sách trắng' để kiểm soát quảng cáo trên mạng xã hội
- Quảng cáo trên mạng: Cần thay đổi để làm "quảng cáo sạch"
- Tin lời quảng cáo trên mạng, một phụ nữ nhập viện vì nâng ngực bằng filler
- Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
- Không cần thẻ ATM, bạn vẫn có thể rút tiền bằng CCCD dễ dàng với những ngân hàng này
- Người dân TP.HCM tiếp tục sử dụng bảng giá đất cũ để giải quyết nghĩa vụ tài chính và thuế về đất đai
- 3 đối tượng này sẽ bị cắt lương hưu kể từ tháng 7/2025, người dân cần biết
- Tùy ý bật đèn, bật còi xe sẽ bị phạt, người lái xe cập nhật ngay quy định này kẻo mất tiền
- Không bắt buộc nhưng vì sao người dân nên đổi sổ đỏ sang mẫu mới, còn ngần ngại thì đây là lý do