Thứ ba, 18/07/2023, 16:57 (GMT+7)

Tin lời quảng cáo trên mạng, một phụ nữ nhập viện vì nâng ngực bằng filler

B.T (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Tin lời quảng cáo trên Facebook, một người phụ nữ trung niên đã bị biến dạng ngực, nóng sốt sau 5 ngày tiêm chất làm đầy nhằm mục đích nâng ngực.

Tiền mất tật mang vì quảng cáo trên mạng

Theo Người lao động đưa tin, Bác sỹ Đinh Phương Đông, Phó khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Trương Vương, TP.HCM) cho hay, bệnh viện mới tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ 56 tuổi trong tình trạng nóng sốt, đau nhức, khó chịu vùng ngực. Tiến hành kiểm tra, bác sỹ chẩn đoán người phụ nữ này nhiễm trùng ngực nặng sau khi tiêm filler hay còn gọi là chất làm đầy, tạo bao xơ dày quanh ngực, mô viêm tăng liên tục.

Tại bệnh viện, nữ bệnh nhân cho biết đã bỏ ra số tiền 60 triệu đồng để tiêm filler nâng ngực tại một Spa ở TP.HCM vào ngày 20/5. Khi thực hiện nâng ngực được khoảng 5 ngày, bà thấy chỗ tiêm sưng đỏ, nóng sốt nên quay lại Spa để kiểm tra và được hút dịch liên tục. Tuy nhiên, ngực của bà ngày càng sưng to, xuất hiện nhiều chấm đỏ, mức độ đau tăng lên. Quá đau đơn, bà đã đến khám tại Bệnh viện Trưng Vương.

nâng ngực 1

Bác sỹ đã hút được 0,5 lít dịch mủ từ ngực bệnh nhân. Ảnh: nld.com.vn

Theo chia sẻ của nữ bệnh nhân, bà sinh sống và làm việc tại nước ngoài, mới trở về Việt Nam một thời gian để giải quyết chuyện gia đình. Do tình cờ đọc được quảng cáo nâng ngực của Spa này trên Facebook, bà đã chủ động nhắn tin xin được tư vấn. Sau khi được nhân viên tư vấn cụ thể, bà quyết định nâng ngực bằng filler. Được biết trước đó, bà đã tiêm filler mông ở Spa này với chi phí 159 triệu đồng. Đáng chú ý là người phụ nữ này mắc bệnh tiểu đường, nhưng nhân viên Spa nói vẫn tiêm filler bình thường và sẽ không ảnh hưởng gì tới sức khỏe.

Nữ bệnh nhân cho hay, tới khi biến chứng xảy ra, phía Spa đổ lỗi do bà bị tiểu đường mới gây viêm. Bà nói thêm không biết Spa tiêm bằng loại filler nào, khi được hút dịch ở vùng ngực nhưng chưa bớt đau, bà đã yêu cầu được tới bệnh viện.

Tại Bệnh viện Trưng Vương, sau khi chẩn đoán, bác sỹ Đông cùng ekip đã tiến hành mổ tháo dịch mủ và filler trong ngực của bệnh nhân. Lần mổ thứ 2, bác sỹ đã bóc hết bao xơ vì nếu để sẽ bị tiết dịch và vết thương không thể lành được.

nâng ngực

Bao xơ ngực chỗ viêm bị vón cục được bác sỹ Bệnh viện Trưng Vương lấy ra. Ảnh: nld.com.vn

Bác sỹ Đông cũng chia sẻ thêm, bệnh nhân may mắn khi tới bệnh viện ở giai đoạn sớm, do đó việc xử lý biến chứng không quá phức tạp. Hiện nay sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, được xuất viện nhưng vẫn phải tái khám và theo dõi.

Nhiều trường hợp tử vong vì nâng ngực

Trước đó, ngày 27/6/2023, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (TP.HCM) đã thông báo về một trường hợp tử vong liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ trái phép. Bệnh nhân là phụ nữ trú tại tỉnh Cà Mau, sinh năm 1996. Sau khi tiêm dung dịch nâng ngực, bệnh nhân bị tím tái, sùi bọt mép, mạch cũng như huyết áp bằng không và tử vong ngay sau đó. Được biết, nạn nhân này thực hiện nâng ngực thẩm mỹ chui tại khách sạn DONA trên đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10.

Thời gian qua, rất nhiều chị em vì tin lời quảng cáo có cánh trên mạng internet đã bỏ số tiền lớn để nâng ngự làm đẹp bằng phương pháp không đau, không phẫu thuật. Tuy nhiên, sự thật không dễ dàng, nhiều chị em đã phải trả giá đắt khi ngực xuất hiện khối bất thường, đau nhức, viêm mô tuyến vú…

Bác sỹ Đông cũng khuyến cáo, bệnh nhân bị tiểu đường cần kiểm tra đường huyết trước khi muốn tiêm filler hoặc phẫu thuật thẩm mỹ. Nếu chỉ số dưới hoặc trong mức cho phép, bệnh nhân mới được thực hiện, bởi người bị tiểu đường nguy cơ nhiễm trùng cao hơn bình thường. Thêm vào đó, hiện nay rất nhiều cơ sở quảng cáo nâng ngực bằng chất làm đầy tiện lợi và nhanh chóng nhưng thường không có nguồn gốc. Trước thực trạng này, chị em cần cẩn trọng, tìm hiểu thật kỹ các phương pháp làm đẹp, không đặt niêm tin quá nhiều vào quảng cáo để tránh tiền mất tật mang.

Cùng chuyên mục