Thứ hai, 03/07/2023, 19:22 (GMT+7)

Cảnh giác chiêu trò quảng cáo nâng ngực không cần phẫu thuật

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Không ít người đã phải gánh chịu hậu quả tiền mất tật mang sau khi cả tin vào những quảng cáo “có cánh” về nâng ngực không cần phẫu thuật.

Thời gian gần đây, những quảng cáo về nâng ngực không cần phẫu thuật đang rầm rộ trên mạng xã hội. Các nội dung như: tăng size ngực bằng sóng cao tần, nâng ngực đệm mô lipid thu hút chị em với cam kết ngực sẽ đẹp lên sau 60 phút mà không cần phẩu thuật. Chúng đánh vào tâm lý muốn làm đẹp nhưng lại sợ phẫu thuật, sợ đau của nhiều người. Tuy nhiên, không ít người đã phải gánh chịu hậu quả khôn lường về sức khỏe sau khi cả tin vào quảng cáo.

Qua bạn bè giới thiệu, chị T.  đến một cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội nâng ngực bằng sóng xung kích. Theo quảng cáo, công nghệ này giúp tăng các mô cơ ở ngực, tăng size ngực ngay sau 1 lần. Đây là phương pháp độc quyền, không xâm lấn, không phẫu thuật, chỉ sau 60 phút sẽ cải thiện bộ ngực, chi phí 80 triệu đồng.

nang nguc Tiepthigiadinh H1
Bệnh nhân T. được bác sĩ Nguyễn Đình Minh thăm khám

Các nhân viên của cơ sở thẩm mỹ giải thích với chị T. rằng, sóng xung kích từ trường sẽ kích thích các mô mỡ ngực phát triển, sau 1 lần có thể thay đổi kích thước ngực đến 60-70%; sau 15-18 ngày đạt 80-90%. Facebook của cơ sở thẩm mỹ này cũng quảng bá 1 chi nhánh ở Hàn Quốc và 3 chi nhánh khác ở Việt Nam.

Trước khi thực hiện công nghệ, nhân viên tư vấn chị T rằng sẽ tiêm gây tê để giảm đau do sử dụng máy tác động vào cơ ngực. Tuy nhiên, sau gây tê 5-7 phút bên ngực trái, chị T. cảm thấy bất thường. Chị T. kéo khăn che mắt và thấy bác sĩ đang tiêm một chất lạ vào ngực mình. Chị T. kể rằng: “Bác sĩ mới chỉ tiêm gây tê bên ngực trái nhưng tôi thấy ngực trái đã nhô lên, có sự thay đổi về vòng size ngực rồi”.

Lo sợ trước phương pháp làm đẹp không như quảng cáo nên chị T. yêu cầu cơ sở dừng thủ thuật và giải thích đưa chất gì vào ngực mình. Chị T. được giải thích thuốc gây tê pha lẫn nước muối sinh lý nhưng bóp trong ngực thấy có nhiều chất lỏng màu hồng, sệt sệt dạng gel. Sau sự việc, nạn nhân đã gọi điện đến cơ quan công an trình báo và nhanh chóng đến Bệnh viện E kiểm tra tình trạng sức khỏe.

Theo Bác sĩ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E, bệnh nhân T. vào viện trong tình trạng hoảng loạn, đau, tức vùng ngực. Khám tại chỗ, vùng ngực 2 bên có vết tiêm với size kim lớn. Vùng ngực tại chỗ tấy đỏ, khi sờ vào thấy cục, khối lổn nhổn trong mô vú, bệnh nhân có cảm giác đau.

Khi siêu âm, thấy có các khối tụ dịch, lẫn khí, nằm rải rác lan tỏa trong mô vú, có những khối nằm rất sâu. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị biến dạng ngực do tiêm chất lỏng, nghi là chất làm đầy, tuy nhiên không rõ bệnh nhân đã được tiêm những chất gì, nguy cơ hỏng ngực nếu không điều trị kịp thời. Bệnh nhân T. được hút dịch lỏng, kết hợp dùng kháng sinh, giảm viêm, nhưng tiên lượng các khối chất lỏng không thể lấy hết, phải theo dõi và điều trị lâu dài.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh cho biết, hiện chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định hiệu quả của phương pháp nâng ngực bằng sóng xung kích. Sóng xung kích là những sóng kích thích các dây dẫn thần kinh, thường dùng trong bệnh lý tim mạch có tắc nghẽn thần kinh. Một số phương pháp nâng ngực như sử dụng tế bào gốc, sóng cao tần, laser... nhưng hiệu quả đều chậm, hầu như không đáng kể. Trên thực tế, không có biện pháp nào là không phải can thiệp phẫu thuật, hoặc ghép chất làm đầy hay ghép mỡ, lại có thể tăng lượng lớn thể tích ngay trong lần đầu tiên thực hiện.

nang nguc Tiepthigiadinh H2
Bác sĩ Phạm Ngọc Minh thăm khám cho bệnh nhân

TS. BS Phạm Ngọc Minh - khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu, Bệnh viện TWQĐ 108 cũng đã từng tiếp nhận một số bệnh nhân tin theo quảng cáo mà thực hiện nâng ngực không cần phẩu thuật như: nâng ngực đệm mô lipid hay nâng ngực bằng sóng xung kích thích. Các trường hợp này sau đó đều gặp hiện tượng bất thường và phải nhập viện kiểm tra.  

Bác sĩ Phạm Ngọc Minh cho biết, trường hợp bênh nhân thực hiện nâng ngực đệm mô lipid bị tiêm dung dịch vào ngực được chẩn đoán viêm cấp tổ chức phần mềm vú lan tỏa. Việc lấy chất lỏng ra khỏi ngực bệnh nhân này để xét nghiệm cũng không hề dễ dàng. Chất này có thể là silicon lỏng đã bị cấm từ lâu. Nếu chất tiêm vào ngực bệnh nhân này là silicon sẽ có tính chất bám dính tổ chức tăng nguy cơ gây ung thư.

Chị em cần lưu ý khi tiêm, bơm chất lỏng vào người cần phải được thực hiện bởi người có chuyên môn. Vì người không có chuyên môn khi tiêm sẽ không nắm rõ nguyên tắc vô trùng, kỹ thuật tiêm cũng như những chất được phép hay không được phép đưa vào cơ thể sẽ rất nguy hiểm,

Bác sĩ khuyến cáo các chị em cần phải trang bị hiểu biết cơ bản về các phương pháp nâng “vòng 1” phổ biến như: độn túi hoặc cấy mỡ tự thân. Nếu chọn nâng ngực bằng chất liệu túi độn thì phải được công nhận bởi Bộ Y tế, hoặc chứng nhận FDA. Trường hợp nâng ngực bằng mỡ tự thân thì cần được tư vấn và tiến hành bởi các bác sĩ và bệnh viện uy tín. Hiện tại chưa có bằng chứng y văn nào trên thế giới về nâng ngực bằng huyết tương PRP hoặc bằng mỡ lấy từ máu. Tuyệt đối tránh ham rẻ mà nghe quảng cáo đưa các chất lạ vào cơ thể dẫn đến không tương thích thải loại, nhiễm trùng, gây hậu quả khôn lường.

Cùng chuyên mục