Thứ hai, 16/10/2023, 16:32 (GMT+7)

Trẻ thường xuyên dụi mắt coi chừng xước giác mạc

Dụi mắt là một hành động thường gặp nhưng nếu day dụi thường xuyên, liên tục có thể làm trầy xước giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực.

Thói quen xấu gây hại cho mắt

Chiều nào đi học về chị Thảo (ở Bắc Ninh) cũng thấy cậu con trai (10 tuổi) day dụi mắt. Nghĩ mắt con bị mỏi sau một ngày học tập hoặc dính bụi bẩn nên chị Thảo chọn nhỏ nước muối sinh lý cho con.

“Đều đặn hai lần sáng và tối, tôi thường xuyên vệ sinh mắt cho con nhưng đến nay đã hơn 1 tháng, con trai tôi vẫn chưa bỏ được thói quen này. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở con nhưng con nói mắt khó chịu, nhìn mờ hơn trước khiến tôi lo lắng vội đưa con đi khám chuyên sâu”, chị Thảo chia sẻ.

Thăm khám tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, chị Thảo được Ths.Bs Hoàng Thanh Nga cho biết, bé trai liên tục day dụi mắt trong thời gian dài khiến giác mạc đã bị trầy xước, ảnh hưởng đến thị lực nên khiến bé nhìn mờ hơn.

Dụi mắt là một phản xạ tự nhiên của con người khi mắt bị ngứa, nổi cộm, vướng dị vật hay tiếp xúc quá lâu với màn hình máy tính, điện thoại, đeo kính áp tròng lâu hơn so với thời gian quy định…

01697448635.jpeg
Trẻ thường xuyên dụi mắt có thể ảnh hưởng đến thị lực

Tuy là hành động thường gặp nhưng nếu thực hiện thường xuyên, liên tục có thể gây tổn thương giác mạc. Bởi khi dụi mắt, trẻ có thể chạm móng tay vào giác mạc gây xước. Nếu trong trường hợp dụi mắt do có dị vật sẽ gây cọ xát mạnh giữa dị vật và giác mạc, khiến tình trạng khó chịu càng thêm nặng, chảy nước mắt và nhạy cảm hơn với ánh sáng.

Trong một số trường hợp, việc dụi mắt với lực mạnh còn có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ khiến kết mạc (lòng trắng) của mắt bị đỏ. Khi đưa tay lên dụi mắt còn vô tình đưa vi khuẩn tấn công trực tiếp vào mắt, có thể gây nhiễm trùng.

Trường hợp bệnh nhân bị bệnh giác mạc chóp, dụi mắt thường xuyên sẽ làm cho tình trạng bệnh càng nặng hơn, nguy hiểm nhất có thể gây mù. Day dụi mắt còn có thể làm cho nhãn cầu bị tổn thương, mí mắt mất tính đàn hồi, vùng da xung quanh mắt dễ bị khô và lão hoá sớm.

Làm gì để hạn chế dụi mắt?

Thay vì đưa tay lên trực tiếp dụi mắt, với mỗi trường hợp khi mắt bị ngứa, nổi cộm, khó chịu cần có hướng xử lý phù hợp.

Trường hợp khi có bụi bẩn hoặc dị vật bay vào mắt, theo Ths.Bs Thanh Nga, mọi người nên sử dụng thuốc nhỏ mắt kết hợp với tăm bông để loại bỏ dị vật theo dòng nước mắt, sau đó sử dụng khăn giấy sạch để lau khô; hoặc có thể chớp mắt liên tục để đẩy dị vật ra ngoài một cách dễ dàng hơn, vừa hạn chế vi khuẩn từ tay bẩn vào mắt.

Nếu mắt bị ngứa do các bệnh lý về mắt như viêm kết mạc dị ứng, viêm bờ mi, bạn có thể vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo. Tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng lịch hẹn để quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả.

Trường hợp đang đi trên đường mà dị vật bay vào mắt, bạn nên dừng xe để đảm bảo an toàn giao thông và tuyệt đối không đưa tay lên dụi mắt, có thể dùng giấy thấm sạch hoặc nước nhỏ mắt để giải quyết vấn đề này. Lưu ý, bạn nên đeo kính bảo vệ khi ra đường để hạn chế nguy cơ bị dị vật, bụi, côn trùng bay vào mắt.

Nếu dụi mắt do mắt phải điều tiết vì làm việc liên tục cần cân bằng chế độ làm việc và nghỉ ngơi, bạn cần hạn chế sử dụng màn hình máy tính, điện thoại, xem tivi quá lâu để tránh gây mỏi mắt, ngứa và khô mắt; kết hợp với việc vệ sinh mắt đúng cách, đảm bảo ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và bổ sung nhiều loại thực phẩm để tăng cường sức khoẻ cho đôi mắt.

Đặc biệt đối với trẻ nhỏ chưa nhận thức được tác hại của việc day dụi mắt thường xuyên, cha mẹ cần đồng hành cùng trẻ, hướng dẫn, chỉ bảo để các bé hạn chế tối đa đưa tay lên mắt. Khi khó chịu ở mắt, trẻ cần thông báo ngay với cha mẹ để hỗ trợ vệ sinh mắt kịp thời. Nếu dị vật lớn bị vướng trong mắt, hãy đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ xử lý hiệu quả.

Cùng chuyên mục