Nở rộ “bác sĩ TikTok” và những hệ lụy khôn lường với sức khoẻ khi làm theo hướng dẫn, người tiêu dùng cần chú ý
Tin lời “bác sĩ TikTok'”, không ít người đã tự đánh giá tình trạng sức khỏe của mình rồi làm theo các hướng dẫn chữa bệnh thiếu cơ sở khoa học, dẫn đến phải gánh chịu những biến chứng nguy hiểm.
Chống lừa đảo trực tuyến trên TikTok: CEO Nga Lưu, bác sĩ Huy, Hiếu PC đồng loạt gia nhập
Cảnh giác với "bác sĩ TikTok" – Những mối nguy từ thông tin y tế sai lệch
Đặt lịch khám bệnh online tại bệnh viện, tá hỏa khi bị lừa mất tiền triệu
Tiền mất, tật mang vì “bác sĩ TikTok”
Hiện nay, thông tin về các vấn đề sức khỏe sức khỏe, cách chữa bệnh ngày càng tràn lan trên các công cụ tìm kiếm như Google hay các nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok... Chỉ với vài thao tác trên TikTok, đủ kiểu thông tin y tế hiện ra, bệnh gì cũng có với hàng loạt những video ngắn hướng dẫn, tư vấn của những người mặc áo blouse và tự nhận mình là bác sĩ, chuyên gia sức khỏe.
Theo các chuyên gia y tế, đặc điểm chung của những người tự phong là bác sĩ trên mạng xã hội là khả năng ăn nói lưu loát, gần gũi. Những video được xây dựng khá công phu, hình ảnh bắt mắt nên dễ thu hút người xem, đặc biệt là giới trẻ, từ đó thôi thúc họ làm theo hoặc sử dụng dịch vụ. Đồng thời, các nội dung chia sẻ của “bác sĩ TikTok” còn đánh đúng vào tâm lý thích chữa bệnh theo tiêu chí “ngon, bổ, rẻ, nhanh” của nhiều người.
Đáng nói, tính chính xác của hàng loạt thông tin sức khỏe được chia sẻ trên TikTok là vấn đề đáng báo động, chưa được kiểm chứng. Nhiều cá nhân tự xưng là bác sĩ, chuyên gia y tế nhằm quảng cáo, bán thực phẩm chức năng, thiết bị y tế, thuốc tự bào chế... Những hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của đội ngũ y tế thật sự.
Đơn cử, tài khoản TikTok “Sức khỏe của bạn” (với hơn 24.000 người theo dõi) thường xuyên đăng tải video về lợi ích của việc nhịn ăn, thậm chí còn hướng dẫn điều trị ung thư bằng phương pháp này, thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho hay, quan điểm này hoàn toàn phi khoa học, bởi nhịn ăn không thể giết chết tế bào ung thư mà còn khiến bệnh nhân suy kiệt, giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho ung thư phát triển nhanh hơn.
Hay, người dùng mạng xã hội TikTok truyền tai nhau về cách cấp cứu người bị đột quỵ: “Hãy đặt người bệnh nằm yên, sau đó lấy mũi kim tiêm hoặc kim khâu hơ nóng, chích vào 10 đầu ngón tay và nặn máu ra, dần dần người bệnh sẽ tỉnh lại…”. Không ít người đã làm theo hướng dẫn trên của “bác sĩ TikTok'” và gánh chịu hậu quả khôn lường.
Một ví dụ điển hình, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) từng tiếp nhận điều trị cho người bệnh 60 tuổi (trú tại Đông Triều) bị đột quỵ, nhồi máu não với các dấu hiệu như nói khó, tê yếu nửa người trái. Trước khi vào viện, người bệnh được người thân áp dụng phương pháp nêu trên. Hậu quả là bệnh nhân đến viện muộn, làm giảm cơ hội phục hồi. Các bác sĩ khẳng định, hành động chích rạch, nặn máu là cực kỳ nguy hiểm vì có thể điều này sẽ gây ra tình trạng chảy máu khó cầm, gây hại cho người bệnh, làm kéo dài thêm thời gian đưa người bệnh đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
Tương tự, sau khi xem được video hướng dẫn dùng nước lá trầu không để trị nám trên TikTok, 4 phụ nữ tại Hà Nội đã rủ nhau đun lá trầu lấy nước để rửa mặt mong có được kết quả “vịt hóa thiên nga” như trong video. Tuy nhiên sau một đêm, nám không những không hết mà gương mặt còn “nở hoa”, khiến cả 4 chị em tá hỏa cùng dẫn nhau đi khám…
Trước đó, năm 2023, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã xử phạt “bác sĩ” Hà Duy Thọ 104 triệu đồng với lý do cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, quảng cáo các sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan thẩm quyền xác nhận nội dung. Trên mạng xã hội, ông Thọ đăng khá nhiều video chia sẻ gây chú ý như: “Uống sữa càng nhiều thì càng loãng xương”, “vỏ củ cải là nguyên nhân gây teo não và ngộ độc máu”... Những thông tin này được cho là không có cơ sở khoa học.
Thận trọng với các dịch vụ khám, chữa bệnh online
Ở diễn biến liên quan, thời gian qua, hàng loạt bệnh viện lớn tại Hà Nội như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Da liễu Trung ương… liên tục phát đi cảnh báo về việc bị mạo danh bán thuốc, thực phẩm chức năng, thăm khám chữa bệnh. Cùng đó, nhiều giáo sư, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, ngoại khoa, da liễu... cũng bị mạo danh hình ảnh, tên tuổi để tư vấn, quảng cáo, bán sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng không ít lần phát đi cảnh báo việc trên mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế các bệnh viện lớn để tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật.

Trước đó, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng phát đi cảnh báo về tình trạng lừa đảo dưới hình thức các nhóm kín “tư vấn sức khỏe” trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Thực chất, đây là những nhóm bán thuốc giả hoặc thuốc không rõ nguồn gốc.
Cơ quan này khuyến cáo, người dân cần thận trọng với các dịch vụ khám, chữa bệnh, bán thuốc trên mạng xã hội; cần kiểm tra kỹ thông tin về bác sĩ và cơ sở y tế, xác minh qua website của các cơ quan y tế uy tín hoặc từ nguồn đáng tin cậy trước khi sử dụng dịch vụ. Nếu có nhu cầu khám, chữa bệnh, người dân nên đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng các nền tảng khám chữa bệnh online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng. Trong trường hợp nghi ngờ mình bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo, hiện trên cổng thông tin của Bộ Y tế và Sở Y tế các địa phương đã công khai thông tin người hành nghề. Trước khi theo dõi tư vấn sức khoẻ trực tuyến, người dân cần nâng cao cảnh giác, kiểm chứng thông tin bằng việc tra tên tuổi của người tư vấn thông qua cổng thông tin chính thống, không tuỳ tiện nghe, làm theo những nguồn tư vấn không kiểm chứng trên mạng.
Thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai rà soát các thông tin trên không gian mạng để kịp thời phát hiện xử lý các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh không đúng quy định pháp luật. Từ đó, giúp người dân tìm được nguồn tin chính thống từ bác sĩ có chuyên môn, chứng chỉ hành nghề.
Thông tư số 30/2023/TT-BYT của Bộ Y tế quy định danh mục bệnh, tình trạng bệnh được khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Trong đó, Bộ Y tế công bố danh mục 50 bệnh, tình trạng bệnh thuộc gần 20 chuyên khoa được khám chữa bệnh từ xa.
Theo đó, chuyên khoa cơ xương khớp được khám, chữa bệnh đau vai gáy, hội chứng cánh tay cổ, đau thắt lưng, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp gối, loãng xương (không gãy xương). Đối với ung thư được khám, chữa bệnh từ xa trong trường hợp sau điều trị ung thư, chăm sóc giảm nhẹ.
Cùng đó, các bệnh truyền nhiễm được khám, chữa bệnh từ xa như sốt xuất huyết không có dấu hiệu cảnh báo, cúm, COVID-19, nhiễm HIV/AIDS, viêm gan virus B,C. Chuyên ngành da liễu được khám các bệnh da do virus, bệnh da dị ứng - miễn dịch và da viêm, bệnh da do nhiễm khuẩn, bệnh da do nấm - ký sinh trùng. Chuyên khoa tai mũi họng được phép khám, chữa bệnh từ xa với viêm mũi họng cấp tính, viêm mũi họng mãn tính. Chuyên khoa tiêu hóa được khám các bệnh viêm dạ dày – tá tràng, táo bón, trào ngược dạ dày – thực quản…
Thông tư cũng quy định, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải đăng ký với cơ quan quản lý y tế, chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc. Các chỉ định và kê đơn thuốc khám, chữa bệnh từ xa phải thực hiện trên hệ thống đơn thuốc quốc gia. Ngoài ra, thông tin khám, chữa bệnh từ xa của người bệnh phải được tuân thủ theo các nguyên tắc bảo mật.