Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 07/08/2024, 07:09 (GMT+7)

Cảnh giác với ma trận quảng cáo 'thần dược' trên mạng

Người dân khi có bệnh, cần đến bệnh viện để trực tiếp thăm khám và mua thuốc dưới sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối cảnh giác với quảng cáo thuốc hứa hẹn chữa trị nhanh chóng các bệnh nghiêm trọng mà không có bằng chứng rõ ràng.

Tin vào quảng cáo mà sử dụng nhiều loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe

Hiện nay, trên mạng xã hội (YouTube, Facebook...), nhiều loại sản phẩm được quảng cáo là thuốc dưới tên gọi “thuốc gia truyền”. Những sản phẩm này được quảng cáo rầm rộ với mật độ dày đặc, trong đó mượn danh người nổi tiếng, bác sĩ và cả những bệnh nhân “nhờ uống thuốc này mà bệnh khỏi hẳn”, theo An ninh Thủ đô.

Mới đây, cơ quan chức năng cũng phát hiện, xử lý hàng loạt vụ vi phạm về việc quảng cáo các sản phẩm sai sự thật, đồng thời kiểm tra thu hồi nhiều loại sản phẩm không đúng với quảng cáo. 

BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm ô-xy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng chia sẻ, các quảng cáo “thần dược” xuất hiện với tần suất dày đặc, cộng thêm việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng khiến người tiêu dùng bị thao túng tâm lý và tin theo.

Hình ảnh 82
Người dân không nên mua thuốc không rõ nguồn gốc.

Tăng cường quy định pháp lý đối với quảng cáo các sản phẩm chăm sóc sức khỏe

Để giảm thiểu số “nạn nhân” bị mắc lừa vì tin theo quảng cáo các sản phẩm thuốc “thần dược” trên mạng, một trong những việc cần làm theo BS Nguyễn Huy Hoàng là các cơ quan liên quan cần phải cung cấp thêm nhiều nguồn thông tin chính thống hơn để người dân có sự đối chiếu.

Dẫu biết không phải sản phẩm nào rao bán online cũng là kém chất lượng. Tuy nhiên, với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thuốc trị bệnh, theo BS Nguyễn Huy Hoàng cần có những tiêu chí cụ thể, chặt chẽ hơn. Bởi lẽ trong bối cảnh giữa muôn vàn lời quảng cáo thần dược có cánh trên mạng xã hội, làm thế nào để người tiêu dùng lựa chọn được những sản phẩm phù hợp, đảm bảo chất lượng là điều không hề dễ dàng.

"Giữa muôn hình vạn trạng chiêu quảng cáo bủa vây, BS Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên chọn những sản phẩm của những đơn vị có uy tín nhiều năm. Phải xem thông điệp của họ là gì. Những thông điệp 100% là khỏi hoặc là nếu không khỏi trả lại tiền thì tôi nói thật không thể tin được".

Qua đó, để hạn chế tình trạng quảng cáo các sản phẩm thuốc tràn lan, những người tham gia quảng cáo như một số bác sĩ, nghệ sĩ và cả những nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội cần phải có trách nhiệm. Cần phải tăng cường hơn nữa những quy định pháp lý đối với quảng cáo các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Về phía người tiêu dùng, khi nhận thấy dấu hiệu quảng cáo không đúng sự thật cũng cần có hành động phản đối, chẳng hạn như bấm vào nút báo cáo vi phạm để báo cho nhà mạng.

Không nên mua bán trên mạng xã hội, đặc biệt đối với các loại thuốc đặc trị không rõ nguồn gốc

Có thể thấy, xu hướng quảng cáo trên các trang mạng xã hội đang trở thành mảnh đất béo bở để các đối tượng lừa đảo hoành hành. Đặc biệt đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nếu không kiểm soát chặt chẽ quảng cáo thổi phồng công dụng tràn lan trên mạng, sẽ có nhiều người chịu cảnh tiền mất tật mang, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội.

Người dân khi có bệnh, cần đến bệnh viện để trực tiếp thăm khám và mua thuốc dưới sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ; Tuyệt đối cảnh giác với quảng cáo thuốc hứa hẹn chữa trị nhanh chóng các bệnh nghiêm trọng hoặc cung cấp kết quả thần kỳ mà không có bằng chứng rõ ràng; Tìm hiểu về nhà sản xuất và thuốc qua các nguồn thông tin đáng tin cậy như trang web của cơ quan quản lý dược phẩm hoặc các tổ chức y tế.

Trong trường hợp gặp phải những đối tượng lừa đảo hình thức trên, người dân cần báo cáo các hành vi lừa đảo hoặc thuốc giả cho cơ quan chức năng hoặc các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.

Đồng thời, chia sẻ thông tin về các sản phẩm nghi ngờ với cộng đồng để cảnh báo và giúp người khác tránh bị lừa đảo.

Cùng chuyên mục