Người dân làm sổ đỏ sau sáp nhập, luật sư khuyến cáo cảnh giác điều này nếu không muốn 'mất tiền oan'
Luật sư khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các đối tượng lợi dụng việc sáp nhập để thu phí “dịch vụ” không chính thức khi làm sổ đỏ. Trường hợp phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý.
Những lưu ý khi làm sổ đỏ sau sáp nhập tỉnh, thành phố và bỏ cấp huyện từ ngày 1/7
Chỉ 1 tuần nữa, người dân có thể không được sang tên sổ đỏ nếu quá 3 mốc thời gian này
Sau khi các tỉnh, thành phố được sáp nhập, nhiều người quan tâm việc chỉnh sửa thông tin trên sổ đỏ để đảm bảo pháp lý khi giao dịch đất. Vậy theo quy định, người dân có bắt buộc sửa sổ đỏ không? Lệ phí và người dân có cần lưu ý gì trong quá trình làm thủ tục?
Liên quan đến vấn đề này, Tiếp thị & Gia đình đã có cuộc trò chuyện cùng luật sư Phạm Ngọc Hải - Giám đốc điều hành tại AMI Consultant & Lawyer. Theo luật sư, người dân không bắt buộc phải làm lại sổ đỏ, trừ khi có nhu cầu thay đổi thông tin hoặc thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai. Luật sư cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các đối tượng lợi dụng việc sáp nhập để thu phí “dịch vụ” không chính thức.

PV: Thưa luật sư, Nghị quyết sáp nhập 63 tỉnh, thành phố còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh đã chính thức có hiệu lực. Một trong những vấn đề người dân quan tâm nhất hiện nay là thủ tục làm sổ đỏ sau sáp nhập. Ông có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này không?
Trước hết, cần khẳng định rằng việc sáp nhập 63 tỉnh, thành phố còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh là một bước cải cách lớn nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Liên quan đến sổ đỏ, theo Nghị quyết 60-NQ/TW và các văn bản hướng dẫn như Nghị định 101/2024, người dân không bắt buộc phải làm lại sổ đỏ đã cấp nếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vẫn còn giá trị sử dụng, trừ khi họ có nhu cầu thay đổi thông tin hoặc thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai.
PV: Vậy người dân muốn làm mới hoặc chỉnh lý sổ đỏ thì cần đến đâu để thực hiện thủ tục, thưa ông?
Sau sáp nhập, hệ thống chính quyền địa phương được tổ chức theo mô hình 2 cấp: cấp tỉnh (gồm tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (gồm xã, phường, đặc khu). Cấp huyện sẽ không còn tồn tại từ ngày 1/7/2025. Do đó, các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, bao gồm cấp mới, chỉnh lý, cấp đổi sổ đỏ, sẽ được thực hiện tại Văn phòng Đăng ký đất đai cấp tỉnh hoặc các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đặt tại các địa phương thuộc tỉnh, thành phố mới.
Ngoài ra, ở một số nơi, người dân có thể nộp hồ sơ tại UBND cấp xã hoặc Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, tùy theo hướng dẫn cụ thể của từng địa phương. Bộ Nông nghiệp và Môi trường, theo Nghị quyết 74/NQ-CP năm 2025, sẽ phối hợp với các tỉnh để thống nhất quy trình và phần mềm quản lý dữ liệu đất đai, đảm bảo việc tra cứu và xử lý hồ sơ được thuận tiện.
PV: Có ý kiến lo ngại rằng việc sáp nhập có thể gây khó khăn trong việc tra cứu thông tin đất đai, đặc biệt ở các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh cũ. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt ở các khu vực giáp ranh, nơi địa giới hành chính thay đổi. Tuy nhiên, Chính phủ đã có các biện pháp để giảm thiểu rủi ro. Theo Nghị định 101/2024, các tỉnh sau sáp nhập phải thống nhất cơ sở dữ liệu đất đai trên một phần mềm chung, bao gồm thông tin về thửa đất, số hiệu tờ bản đồ, và địa chỉ theo đơn vị hành chính mới. Các thông tin cũ (ví dụ: tên xã, tỉnh trước sáp nhập) sẽ được ghi chú trên bản đồ địa chính để phục vụ tra cứu.
Ngoài ra, UBND cấp tỉnh được giao nhiệm vụ rà soát và lưu trữ hồ sơ địa chính dạng giấy để tránh thất lạc. Đối với các thửa đất giáp ranh sử dụng kinh tuyến trục khác nhau, cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh để sử dụng một kinh tuyến trục thống nhất. Người dân nên liên hệ trực tiếp với Văn phòng Đăng ký đất đai cấp tỉnh để được hướng dẫn chi tiết nếu gặp khó khăn.

PV: Thưa luật sư, liệu chi phí làm sổ đỏ có thay đổi sau sáp nhập không? Và người dân có cần lưu ý gì trong quá trình làm thủ tục?
Về chi phí, hiện chưa có văn bản nào quy định thay đổi mức phí, lệ phí cấp mới hoặc chỉnh lý sổ đỏ sau sáp nhập. Các khoản phí này vẫn tuân theo quy định hiện hành tại Nghị định 102/2024/NĐ-CP về lệ phí trước bạ và các quy định của địa phương.
Tuy nhiên, người dân cần cảnh giác với các đối tượng lợi dụng việc sáp nhập để thu phí “dịch vụ” không chính thức. Thủ tướng đã yêu cầu chấm dứt tình trạng doanh nghiệp và người dân phải trả chi phí ngoài quy định khi làm thủ tục hành chính.
Người dân nên làm việc trực tiếp tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tra cứu thông tin qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia để đảm bảo minh bạch. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý.
PV: Cuối cùng, ông có thể chia sẻ thêm về lộ trình chỉnh lý hồ sơ địa chính sau sáp nhập không? Người dân cần chuẩn bị gì để quá trình này diễn ra thuận lợi?
Theo kế hoạch, trước ngày 10/4/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai, và cung cấp số liệu diện tích tự nhiên của các đơn vị hành chính mới. Từ ngày 1/7/2025, các tỉnh sẽ chính thức triển khai việc chỉnh lý này.
Người dân không bắt buộc chỉnh lý hồ sư địa chính sau sáp nhập, nhưng nếu muốn cập nhật thông tin trên sổ đỏ, hãy chuẩn bị các giấy tờ, gồm: sổ đỏ bản gốc, căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân hợp lệ cùng các giấy tờ liên quan đến thửa đất (hợp đồng chuyển nhượng, quyết định cấp đất, v.v.) nếu có thay đổi thông tin.
Ngoài ra, hãy theo dõi thông báo từ UBND cấp xã hoặc Cổng Thông tin điện tử của tỉnh để biết lịch làm việc và địa điểm nộp hồ sơ cụ thể
PV: Cảm ơn luật sư vì những chia sẻ hữu ích!