Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 06/08/2024, 08:15 (GMT+7)

Bộ Y tế sẽ xử lý các trang Facebook vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và địa phương để tăng cường hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Bộ Y tế vừa gửi văn bản trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu về kiến nghị liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong văn bản, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh sự phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và địa phương để triển khai các giải pháp hậu kiểm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Cử tri tỉnh Bạc Liêu đã phản ánh tình trạng quảng cáo và buôn bán tràn lan thuốc chữa bệnh gia truyền, thực phẩm chức năng và dược liệu không rõ nguồn gốc trên các trang mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Cử tri đề nghị Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Theo Bộ Y tế, việc quảng cáo thực phẩm hiện nay được quy định chặt chẽ trong Luật Quảng cáo năm 2012, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP và Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Tuy nhiên, một số tổ chức và cá nhân vẫn không tuân thủ, quảng cáo mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc vượt tính năng, công dụng được phê duyệt.

IMG_0198

Trong thời gian qua, các vi phạm quảng cáo thực phẩm đã được xử lý nghiêm và công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế và Cục An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của thương mại điện tử, việc giám sát và kiểm tra quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội gặp nhiều khó khăn. Bộ Y tế đã chuyển các bằng chứng vi phạm sang Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương để xử lý theo thẩm quyền.

Các biện pháp cụ thể mà Bộ Y tế đã triển khai bao gồm: Làm việc trực tiếp với Công ty Meta (trước đây là Facebook Inc) để thông báo các quy định pháp luật của Việt Nam về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và yêu cầu phối hợp xử lý các trang Facebook vi phạm.

Bộ thành lập Tổ phản ứng nhanh để phối hợp xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Ban hành một số Công văn gửi các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và địa phương để tăng cường hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tên các cơ sở, sản phẩm vi phạm sẽ được công bố công khai trên các trang vfa.gov.vn và congkhaiyte.moh.gov.vn.

Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, cảnh báo về an toàn thực phẩm và khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng thực phẩm chức năng thay thế thuốc chữa bệnh. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất đưa vào văn bản quy phạm pháp luật các biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sản phẩm vi phạm và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng.

Trước đó, cử tri phản ánh tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng trên các phương tiện thông tin đại chúng có lợi dụng hình ảnh các y, bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên; sử dụng các danh hiệu như “danh y”, “thần y” để quảng cáo các sản phẩm có tác dụng điều trị bệnh dù chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam, việc này không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng mà còn gây bất an cho xã hội. Từ đó, cử tri đề nghị Bộ TT&TT có giải pháp khắc phục tình trạng trên.

IMG_0199

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT cho biết, thời gian qua, Bộ TT&TT đã tập trung rà soát, xử lý nghiêm tình trạng quảng cáo sai sự thật, lừa đảo, thổi phồng công dụng của thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe... gây nhiễu loạn thông tin do người dùng trên mạng và báo đài thông qua việc triển khai các biện pháp cụ thể như sau:

Tập trung rà quét, phát hiện và xử lý các quảng cáo vi phạm pháp luật, đặc biệt tập trung trên các nền tảng mạng xã hội lớn có nhiều vi phạm là Facebook, YouTube, TikTok. Trường hợp xác định được nhân thân đối tượng vi phạm, các đơn vị chức năng của Bộ sẽ thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Trường hợp không xác định được nhân thân, các đơn vị chức năng của Bộ sẽ yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ các đường link quảng cáo vi phạm; yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Internet thực hiện chặn tên miền/website quảng cáo vi phạm.

Yêu cầu Facebook, Google, TikTok chặn gỡ các quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, không cho phép quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, cơ sở khám chữa bệnh… chưa được cơ quan chuyên ngành về y tế cấp phép, xác nhận nội dung quảng cáo; xây dựng các thuật toán AI để rà quét của quảng cáo và tài khoản quảng cáo có vi phạm để có biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ triệt để, tạp chí Luật sư đưa tin.

Bài viết này thuộc series Quảng cáo

Xem thêm
Cùng chuyên mục