Những chính sách kinh tế có hiệu lực từ tháng 5/2024
Giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng một lần; phát triển cụm công nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi; quy định mới về quản lý seri tiền mới in; quy định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia… là những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.
Giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần
Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, có hiệu lực từ 15/5/2024 quy định, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng. Tức là, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá.
Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan. Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hoàn thành Nghị định về chế độ tiền lương mới
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2024, Văn phòng Chính phủ thống nhất quyết định thời điểm hoàn thành Nghị định về chế độ tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là trong tháng 5.
Đồng thời, Nghị quyết cũng nêu rõ, yêu cầu triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và thực hiện cải cách chính sách tiền lương, hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm trước 31/3/2024.
Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ban hành ngày 15/3/2024 của Chính phủ về phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/5/2024.
Nghị định quy định nhiều ưu đãi đầu tư như cụm công nghiệp là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Việc áp dụng các ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có trách nhiệm quản lý, sửa chữa, vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng kỹ thuật được hỗ trợ để phục vụ hoạt động chung của cụm công nghiệp.
Quy định về quản lý seri tiền mới in
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư 01/2024/TT-NHNN ngày 29/3/2024 quy định về quản lý seri tiền mới in của NHNN có hiệu lực từ ngày 14/5/2024.
Theo Thông tư, đối với các loại tiền NHNN công bố phát hành trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 07 chữ số in từ 0000001 trở đi; đối với các loại tiền NHNN công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi; mỗi tờ tiền có một seri riêng.
Nguyên tắc quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền: Cơ sở in, đúc tiền thực hiện in seri tờ tiền theo nguyên tắc nêu trên. Trường hợp tờ tiền in hỏng được phát hiện sau công đoạn in seri, cơ sở in, đúc tiền phải sử dụng tờ tiền có vần phụ thay thế.
Nguyên tắc sử dụng vần phụ thay thế được thực hiện theo quy định của cơ sở in, đúc tiền; cơ sở in, đúc tiền tổ chức lưu trữ và quản lý thông tin seri của từng loại tiền (bao gồm cả vần phụ) đảm bảo chính xác, đầy đủ các yếu tố ghi trên niêm phong bao, gói, bó tiền mới in hoặc quy cách đóng gói khác do NHNN quy định, bao gồm các yếu tố như cơ sở in, đúc tiền, loại tiền, vần seri, năm sản xuất.
Quy định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia
Ngày 25/3/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 21/2024/TT-BTC quy định về định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.
Thông tư quy định rõ định mức chi phí bảo quản gạo như sau: Trường hợp bảo quản thường xuyên, chi phí là 68.241 đồng/tấn/năm; trường hợp bảo quản lần đầu, mức chi phí từ 118.538-219.977 đồng/tấn/năm.
Chi phí bảo quản thường xuyên đối với: Thóc đổ rời và đóng bao áp suất thấp là 123.304 đồng/tấn.năm; Thóc đổ rời và đóng bao bảo quản kín bổ sung N2 nồng độ ≥98% là 122.240 đồng/tấn/năm.
Đối với muối ăn, chi phí bảo quản lần đầu là 139.877 đồng/tấn.năm; chi phí bảo quản thường xuyên là 14.097 đồng/tấn/năm.
Chi phí bảo quản thường xuyên nhà bạt cứu sinh thường như sau: Đối với nhà bạt 60,0 m2 mức chi phí là 457.553 đồng/bộ/năm; đối với nhà bạt 24,75 m2 mức chi phí là 322.837 đồng/bộ/năm; đối với nhà bạt 16,5 m2 mức chi phí là 299.717 đồng/bộ/năm... Chi tiết định mức chi phí bảo quản các loại hàng dự trữ quốc gia khác được quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.
Định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý được thực hiện chi cho các nội dung chi có liên quan đến công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo danh mục nội dung định mức được quy định tại Thông tư số 19/2024/TT-BTC ngày 22/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia và định mức hao hụt thóc, gạo dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.
Định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý quy định nêu trên được áp dụng làm căn cứ để xây dựng dự toán và quản lý chi phí, thực hiện kế hoạch bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước
Thông tư 17/2024/TT-BTC hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/5/2024.
Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước theo các hình thức sau:
Thứ nhất, thanh toán trước, kiểm soát sau là hình thức thanh toán áp dụng đối với từng lần thanh toán của các hợp đồng thanh toán nhiều lần, trừ lần thanh toán cuối cùng. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hợp pháp, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trong thời hạn 01 ngày làm việc; đồng thời, gửi 01 chứng từ báo nợ cho đơn vị để xác nhận đã thực hiện thanh toán, gửi 01 chứng từ báo có cho đơn vị (nếu đơn vị thụ hưởng mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước).
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát hồ sơ theo chế độ quy định.
Thứ hai, kiểm soát trước, thanh toán sau là hình thức thanh toán áp dụng đối với tất cả các khoản chi, trong đó, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định.