Thứ sáu, 01/03/2024, 14:38 (GMT+7)

Các chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2024

Sang tháng 3/2024, các chính sách về tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định mới về kiểm tra chất lượng phương tiện đường sắt, lệ phí cấp phép khai thác khoáng sản quý hiếm, hỗ trợ người lao động tại khu công nghệ cao mua nhà xã hội... sẽ chính thức có hiệu lực.

Tăng trần giá vé máy bay nội địa

Từ ngày 1/3/2024, giá trần vé máy bay nội địa sẽ được điều chỉnh tăng thêm trung bình 3,75%, với mức tăng từ 50.000-250.000 đồng theo Thông tư số 34 của Bộ Giao thông vận tải.

Cụ thể, nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức trần là 1,6 triệu đồng/vé một chiều vơi đường bay phát triển kinh tế xã hội và 1,7 triệu đồng/vé một chiều với nhóm đường bay khác dưới 500 km như hiện nay.

Từ 1/3/2024 tăng trần giá vé máy bay nội địa
Từ 1/3/2024 tăng trần giá vé máy bay nội địa. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có giá vé trần là 2,25 triệu đồng/vé, tăng 50.000 đồng; đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, giá trần là 2,89 triệu đồng/vé, tăng 100.000 đồng; đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, giá trần là 3,4 triệu đồng/vé, tăng 200.000 đồng và đường bay từ 1.280 km trở lên là 4 triệu đồng/vé, tăng 250.000 đồng so với trước.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc điều chỉnh giá trần vé máy bay nội địa là do sự tác động của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là trong bối cảnh nhiên liệu và tỷ giá tăng cao. 

Quy định mới về kiểm tra chất lượng phương tiện đường sắt

Từ ngày 15/3, chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện có trách nhiệm thực hiện kiểm tra tình trạng hoạt động của phương tiện để phương tiện bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi tham gia giao thông.

Quy định mới về kiểm tra chất lượng phương tiện đường sắt
Nghị định số 10/2024 về khu công nghệ cao nêu rõ dự án đầu tư xây dựng nhà ở có hiệu lực từ ngày 25/3. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Đồng thời, chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra của cơ quan kiểm tra... theo quy định tại Thông tư 01/2024/TT-BGTVT quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo Thông tư, các loại hình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường gồm: Kiểm tra sản xuất, lắp ráp; kiểm tra nhập khẩu; kiểm tra hoán cải; kiểm tra định kỳ.

Lệ phí cấp phép khai thác khoáng sản quý hiếm

Từ ngày 21/3, mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản sẽ được được áp dụng theo Thông tư số 10/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính. 

Theo đó, mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với hoạt động thăm dò được quy định như sau: Diện tích thăm dò nhỏ hơn 100 ha, mức thu là 4 triệu đồng/1 giấy phép. Diện tích thăm dò từ 100 ha đến 50.000 ha, mức thu là 10 triệu đồng/1 giấy phép. Diện tích thăm dò trên 50.000 ha, mức thu là 15 triệu đồng/1 giấy phép.

Lệ phí cấp phép khai thác khoáng sản quý hiếm là 80 triệu đồng/giấy phép
Từ ngày 21/3, lệ phí cấp phép khai thác khoáng sản quý hiếm sẽ được áp dụng theo Thông tư số 10/2024/TT-BTC. (Ảnh: Chinhphu)

Mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với hoạt động khai thác được quy định như sau: Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng suối: có công suất khai thác dưới 5.000 m3/năm: 1 triệu đồng/giấy phép; công suất khai thác từ 5.000 m3 đến 10.000 m3/năm: 10 triệu đồng/giấy phép; công suất khai thác trên 10.000 m3/năm: 15 triệu đồng/giấy phép.

Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có diện tích dưới 10 ha và công suất khai thác dưới 100.000 m3/năm: 15 triệu đồng/giấy phép; giấy phép khai thác khoáng sản quý hiếm: 80 triệu đồng/giấy phép; giấy phép khai thác khoáng sản đặc biệt và độc hại: 100 triệu đồng/giấy phép.

Hỗ trợ người lao động tại khu công nghệ cao mua nhà xã hội

Từ ngày 25/3, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích cho người làm việc trong khu công nghệ cao được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan theo quy định tại Nghị định số 10/2024 của Chính phủ quy định về khu công nghệ cao.

HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành chính sách, bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư phù hợp với thẩm quyền và quy định của pháp luật để thu hút các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ hoạt động của khu công nghệ cao.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Nghị định số 10/2024 của Chính phủ quy định về khu công nghệ cao có hiệu lực từ ngày 25/3. (Ảnh: Chinhphu)

Nhà đầu tư và chuyên gia, người lao động được thuê nhà ở xã hội trong thời gian hoạt động, làm việc tại khu công nghệ cao. Người lao động làm việc trong Ban Quản lý khu công nghệ cao, chuyên gia và người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn được ưu tiên xét mua nhà ở.

Theo Nghị định này, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch khu nhà ở và hệ thống công trình hạ tầng xã hội liền kề hoặc xung quanh khu công nghệ cao, đảm bảo kết nối giao thông thuận lợi, phục vụ trực tiếp cho người lao động.

Cùng chuyên mục