Thứ sáu, 16/02/2024, 11:32 (GMT+7)

Tăng giá trần vé máy bay nội địa từ 1/3/2024

Từ ngày 1/3/2024, giá trần vé máy bay nội địa sẽ được điều chỉnh tăng thêm trung bình 3,75%, với mức tăng từ 50.000-250.000 đồng theo Thông tư số 34 của Bộ Giao thông vận tải.

Bám sát tình hình thực tế của các hãng hàng không, Bộ Giao thông vận tải đã hành Thông tư số 34 sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, từ ngày 1/3/2024, giá vé phổ thông trên 4 nhóm đường bay nội địa sẽ tăng từ 2,27% đến 6,67%, tăng trung bình 3,75% so với trước đó.

Cụ thể, nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức trần là 1,6 triệu đồng/vé một chiều vơi đường bay phát triển kinh tế xã hội và 1,7 triệu đồng/vé một chiều với nhóm đường bay khác dưới 500 km như hiện nay.

Đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có giá vé trần là 2,25 triệu đồng/vé, tăng 50.000 đồng; đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, giá trần là 2,89 triệu đồng/vé, tăng 100.000 đồng; đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, giá trần là 3,4 triệu đồng/vé, tăng 200.000 đồng và đường bay từ 1.280 km trở lên là 4 triệu đồng/vé, tăng 250.000 đồng so với trước.

Cục diện ngành hàng không: Bài toán tái cơ cấu đè nặng các doanh nghiệp, cuộc đua mở rộng đội tàu bay thêm khó
Tứ ngày 1/3/2024, giá vé máy bay nội địa tăng theo Thông tư số 34 của Bộ Giao thông vận tải. (Ảnh: Alex Chu)

Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc điều chỉnh giá trần vé máy bay nội địa là do sự tác động của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là trong bối cảnh nhiên liệu và tỷ giá tăng cao. 

Theo Vietnam Airlines, chi phí nhiên liệu hàng không chiếm khoảng 36% chi phí vận chuyển của hãng. Cùng với đó, hơn 70 chi phí vận chuyển hàng không của hãng là ngoại tệ, trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng USD. Do đó, nếu áp dụng mức giá trần vé máy bay cũ, hãng bay khó có thể phục hồi khi liên tục phải bù lỗ. 

Giả định từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nếu tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng số chi phí, các yếu tố khác không có biến động thì với biến động của giá nhiên liệu Jet A1 (85,4 USD/thùng vào hồi tháng 6/2023) và tỷ giá USD/VNĐ, chi phí nhiên liệu tháng 6/2023 của các hãng hàng không sẽ tăng thêm 23,1% so với tháng 9/2015. Tác động của giá nhiên liệu cũng khiến tổng chi phí tăng 10,9% so với tháng 9/2015.

Trước đó, các hãng hàng không trong nước đã kiến nghị Cục Hàng không xem xét đề xuất tăng giá vé máy bay nội địa do khung trần vé máy bay không còn phù hợp với tình hình đường bay nội địa.

Hồi tháng 6, Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải hàng không (VABA) cũng kiến nghị Chính phủ bỏ quy định trần vé máy bay và điều khoản này trong Luật Giá. Hiệp hội này cho rằng, việc quy định trần giá vé máy bay nội địa làm "méo mó quan hệ cung cầu trên thị trường vận chuyển hàng không", "ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các hãng bay".

Tuy nhiên, Chính phủ quyết định không bỏ trần giá vé máy bay nội địa vì đây là công cụ điều tiết, giúp người dân có thể tiếp cận giá vé hợp lý.

Cùng chuyên mục