Vì sao giá xăng tăng lên sát 24.000 đồng/lít?
Xung đột tại khu vực Biển Đỏ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển, OPEC dự đoán nhu cầu dầu tăng... là những yếu tố khiến giá xăng tăng mạnh trong tuần qua.
Tại kỳ điều hành ngày 15/2, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá xăng dầu. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 711 đồng/lít, giá bán 22.831 là đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 657 đồng/lít, giá bán là 23.919 đồng/lít.
Giá các loại dầu cũng đồng loạt tăng, trong đó giá dầu diesel tăng 654 đồng/lít, lên 21.361 đồng/lít; dầu hỏa tăng 633 đồng/lít, lên 21.221 đồng/lít; dầu mazut tăng 308 đồng/kg, lên 15.906 đồng/kg.
Lý giải về nguyên nhân tăng giá xăng, cơ quan quản lý cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 8/2 đến ngày 14/2) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Cụ thể, tâm lý lo ngại căng thẳng tại khu vực Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu; xung đột tại khu vực Biển Đỏ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển; Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) duy trì dự đoán nhu cầu dầu tăng trong năm nay; sự sụt giảm công suất hoạt động của các nhà máy lọc hóa dầu tại Mỹ…
"Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu thế chung là tăng", liên Bộ Tài chính, Công Thương đánh giá.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ chỉ trích lập quỹ bình ổn đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg. Cơ quan quản lý không trích lập, đồng thời không chi quỹ bình ổn đối với tất cả loại xăng dầu còn lại.
Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho rằng phương án điều hành giá xăng dầu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá hợp lý giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.
Ngoài ra, phương án trên bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.