Thứ hai, 19/06/2023, 21:51 (GMT+7)

Quốc hội thống nhất áp giá trần với sách giáo khoa, vé máy bay

Ngọc Nhi (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Tiếp thị Gia đình - Theo Luật Giá (sửa đổi) vừa được thông qua, sách giáo khoa và vé máy bay tiếp tục được áp giá trần để có công cụ quản lý, kiểm soát, tránh ảnh hưởng tiêu cực tới người dân.

Chiều ngày 19/6, tại chương trình Kỳ họp thứ 5, sau khi Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi). Với 92,91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi). Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Luật Giá (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý được Quốc hội thông qua gồm 8 Chương, 75 Điều quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; Hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá; Thẩm định giá; Thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá; Điều khoản thi hành… Luật Giá (sửa đổi) cũng có nhiều điểm mới nhằm khắc phục một số hạn chế bất cập của luật hiện hành.

Trong đó, đáng chú ý, Nhà nước vẫn quy định khung giá với vé máy bay, sách giáo khoa. Báo cáo tiếp thu giải trình trước đó của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, lượng tiêu dùng rất lớn và giá mặt hàng này tác động trực tiếp tới số đông người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. 

049c51ab-78ec-48cb-ad6b-c
Ảnh minh họa

Hiện nay, trong phương pháp tính giá sách giáo khoa, các nhà xuất bản cộng cả chi phí phát hành sách, mức chiết khấu rất cao (mức chiết khấu trong phát hành sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021 và 2021-2022 là 29% giá bìa; năm học 2022-2023, mức chiết khấu đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35% giá bìa) dẫn đến đẩy giá sách lên cao so với thu nhập của nhiều người dân. Vì vậy, cần thiết phải có công cụ kiểm soát để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người dân.

Luật Giá (sửa đổi) vừa được thông qua cũng quy định khung giá với vé máy bay, tức áp giá trần với mặt hàng này. Theo báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách (TC-NS) Lê Quang Mạnh, hiện có 6 hãng hàng không khai thác các tuyến nội địa, nhưng thực tế vẫn do 3 hãng lớn nắm thị phần, trong đó Vietnam Airlines khoảng 35%, Vietjet Air 40% và Bamboo Airway 16%.

Theo Luật Cạnh tranh, thị trường này có tính cạnh tranh hạn chế, trước mắt Nhà nước vẫn cần công cụ quản lý giá dịch vụ hàng không nội địa để ổn định thị trường. Việc quy định giá trần vé máy bay vẫn bảo đảm quyền chủ động của doanh nghiệp. Bởi, hiện các hãng hàng không vẫn toàn quyền quyết định giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay, chỉ riêng giá vé hạng phổ thông thì không được vượt giá trần. Nếu không quy định giá trần thì đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết giá.

Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé máy bay lên mức cao đối với hạng vé phổ thông, nhất là các dịp lễ, tết, mùa du lịch nhu cầu đi lại tăng cao, ảnh hưởng đến người dân, nhất là người có thu nhập thấp khó có thể được tiếp cận các dịch vụ hàng không; làm tăng chi phí xã hội; làm tăng chi NSNN.

Hơn nữa, việc quy định giá trần không mang tính cố định, nếu cần thiết thì Chính phủ (ở đây là Bộ Giao thông vận tải) có thể quy định giá trần ở mức hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tại từng giai đoạn, từng thời điểm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, trường hợp nhận thấy giá trần chưa phù hợp thì các hãng hàng không có quyền đề nghị Chính phủ kịp thời điều chỉnh chứ không có nghĩa là phải sửa luật. 

Cùng chuyên mục