Đề xuất tăng trần giá vé máy bay nội địa, cao nhất đến 4 triệu đồng
Theo Dự thảo thông tư mới đang được lấy ý kiến, mức trần giá vé máy bay hạng phổ thông nội địa dự kiến cao nhất đến 4 triệu đồng, cao hơn mức hiện hành là 250.000 đồng.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019/TT-BGTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo Dự thảo thông tư mới, với đường bay dưới 500km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư 17. Nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé 1 chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500 km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé 1 chiều.
Với các đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, mức giá trần tăng 50.000 đồng/vé 1 chiều, từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng/vé 1 chiều.
Với đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tối đa đề xuất cao hơn 100.000 đồng, lên 2,89 triệu đồng/vé 1 chiều.
Ở khoảng cách đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, Dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200.000 đồng so với quy định hiện hành.
Mức giá 4 triệu đồng được đề xuất cho khoảng cách đường bay từ 1.280 km trở lên. Con số này cao hơn quy định hiện hành 250.000 đồng và là mức giá cao nhất.
Mức tối đa giá dịch vụ đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 1 vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách cũng như dịch vụ bảo đảm an ninh như giá phục vụ hành khách, giá bảo đảm an ninh, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.
Mức tối đa giá dịch vụ cũng chưa tính khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm. Đây là khoản giá do các hãng hàng không quyết định trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng hàng không và nhu cầu của thị trường.
Các hãng hàng không quy định giá vé cụ thể trên đường bay hoặc nhóm đường bay theo phương thức đa dạng giá vé cho mỗi đường bay và chính sách giá giảm thường xuyên dành cho đồng bào, chiến sỹ thường trú tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Trường hợp các hãng hàng không mở đường bay mới, chưa được công bố trong nhóm cự ly bay do Cục Hàng không Việt Nam thông báo, hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam xem xét, quy định bổ sung đường bay mới vào các nhóm cự ly bay thông dụng trước thời điểm hãng kê khai giá với Cục Hàng không Việt Nam.
Trước đó, Bộ GTVT đã trình phương án điều chỉnh khung giá dịch vụ hàng không tăng trung bình 3,75% so với hiện tại, dự kiến thực hiện từ quý II hoặc quý III năm nay.
Lần gần nhất khung trần vé máy bay nội địa được điều chỉnh là vào năm 2015. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Hàng không, trong điều kiện bình thường chi phí nhiên liệu thường chiếm hơn 39% tổng chi phí của các hãng bay. Trong khi đó, thời điểm cuối năm 2022, cùng với biến động tỷ giá ngoại tệ, chi phí nhiên liệu của các hãng tăng hơn 80% so với tháng 9/2015 làm tổng chi phí của hãng hàng không tăng thêm gần 33,5%.
Cơ quan soạn thảo đánh giá, với mức tăng cho đường bay dài, giá vé máy bay một số đường bay sẽ chịu tác động tăng thêm hơn 6% so với giá hiện hành như các đường bay: Hà Nội – TP.HCM; Hà Nội - Phú Quốc; TP.HCM - Hải Phòng… Còn một số đường bay ngắn giá vẫn giữ ổn định, như: TP.HCM - Đà Lạt, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Điện Biên…