Thứ ba, 05/12/2023, 08:51 (GMT+7)

Từ 3/2024, tăng 3,75% mức giá trần các chuyến bay nội địa

Trong điều kiện nhiên liệu và tỷ giá tăng cao, giá trần vé máy bay nội địa sẽ điều chỉnh tăng thêm trung bình 3,75%, với mức tăng từ 50.000-250.000 đồng từ ngày 1/3/2024.

Bám sát tình hình thực tế của các hãng hàng không, Bộ Giao thông vận tải đã hành Thông tư số 34 sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, giá vé phổ thông trên 4 nhóm đường bay nội địa sẽ tăng từ 2,27% đến 6,67%, tăng trung bình 3,75% so với trước đó. Thời gian áp dụng từ 1/3/2024.

Cụ thể, nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức trần là 1,6 triệu đồng/vé một chiều vơi đường bay phát triển kinh tế xã hội và 1,7 triệu đồng/vé một chiều với nhóm đường bay khác dưới 500 km như hiện nay.

Đường bay từ 500km đến dưới 850km có giá vé trần là 2,25 triệu đồng/vé, tăng 50.000 đồng; đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, giá trần là 2,89 triệu đồng/vé, tăng 100.000 đồng; đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, giá trần là 3,4 triệu đồng/vé, tăng 200.000 đồng và đường bay từ 1.280 km trở lên là 4 triệu đồng/vé, tăng 250.000 đồng so với trước.

hãng-hàng-không-Việt-Nam
Tăng giá trần vé máy bay nội địa từ ngày 1/3/2024 với mức tăng trung bình là 3,75%, từ 50.000 - 250.000 đồng/vé. (Ảnh: Atmbiz)

Mức giá trần tối đa theo Thông tư số 34 của Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc tăng giá trần vé máy bay nội địa là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu và tỷ giá đều tăng cao. 

Việc tăng giá trần vé máy bay nội địa sẽ khiến giá máy bay tăng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó khăn cho các hãng bay thì đây là việc nên làm. Bởi nhiên liệu tăng, chi phí duy trì và điều hành chuyến bay tăng cao, nếu cứ giữ mức giá ổn định trước kia nhiều đường bay phải bù lỗ.

Trước đó, năm 2022, các hãng hàng không trong nước đã kiến nghị Cục Hàng không xem xét đè xuất tăng giá vé máy bay nội địa do khung trần vé máy bay không còn phù hợp với tình hình đường bay nội địa. 

Hồi tháng 6, Hiệp hội doanh nghiệp vận tải hàng không (VABA) cũng kiến nghị Chính phủ bỏ quy định trần vé máy bay và điều khoản này trong Luật Giá. Hiệp hội này cho rằng, việc quy định trần giá vé máy bay nội địa làm "méo mó quan hệ cung cầu trên thị trường vận chuyển hàng không", "ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các hãng bay".

Tuy nhiên, Chính phủ quyết định không bỏ trần giá vé máy bay nội địa vì đây là công cụ điều tiết, giúp người dân có thể tiếp cận giá vé hợp lý.

Cùng chuyên mục