Thứ ba, 05/12/2023, 04:48 (GMT+7)

Liệu AI có thể khiến các livestreamer bán hàng tại Đông Nam Á mất việc?

Minh Sơn (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Các chuyên gia nhận định AI bot có thể bắt đầu phổ biến trên cuộc chơi livestream Đông Nam Á trong thời gian chỉ từ 6 đến 12 tháng tới.

Bot do AI điều khiển, đôi khi được tạo ra bằng công nghệ deepfake để mô phỏng các livestreamer nổi tiếng, đang phát triển ở Trung Quốc. Trên 765 triệu người ở quốc gia này xem các nội dung livestream trong 6 tháng đầu năm 2023, theo Statista. Câu hỏi đặt ra là liệu khi nào xu hướng này sẽ tác động đến livestream khu vực Đông Nam Á?

Untitled
Hình ảnh ở bên trái và bên phải là các livestreamer trên LazLive, dịch vụ livestream của Lazada. Hình ảnh ở giữa là một livestreamer AI do Silicon Intelligence tạo ra. (Ảnh: Tech in Asia).

Thế đang lên của các AI bot

Hồi tháng 9, chính phủ Trung Quốc cấp phép cho 5 công ty bao gồm Baidu và SenseTime được triển khai các chatbot AI. Với khoản đầu tư chỉ 1.000 USD và một vài phút ghi lại hình ảnh livestream người thật, bất kỳ công ty nào cũng có thể tạo ra AI bot với khả năng thực hiện livestream 24/7, theo Tech in Asia.

Ông Hanno Stegmann của BCG x nhận định các AI bot này có thể sẽ phổ biến hơn ở mảng livestream bán lẻ tại Đông Nam Á trong từ 6 đến 12 tháng tới.

Các nhà bán lẻ trực tuyến có thể nhận được các lợi ích ngay trước mắt từ livestreamer AI, ví dụ như tối ưu chi phí nhân công và tăng tương tác người dùng, ông Stegmann nói. Dù vậy, nhiều người dùng tiềm năng của loại hình AI này vẫn hoài nghi về tính bền vững của nó.

Trước khi livestreamer AI có thể phát triển ở Đông Nam Á, các nhà bán lẻ và các sàn TMĐT cần phát triển hạ tầng công nghệ để đón nhận một lượng lớn khán giả đồng thời đào tạo nhân sự. Áp dụng công nghệ này sẽ kéo theo các thay đổi về luồng công việc và công tác phê duyệt nội dung.

“Sau cùng bạn vẫn cần con người để huấn luyện và tận dụng công nghệ này”, ông Stegmann nói thêm. Ông đồng thời nhận định rằng các rào cản về quản lý có thể làm chậm lại tốc độ đón nhận AI bot.

Bot giá rẻ?

Edho Zell, CEO và người sáng lập Social Bread, nhìn nhận cơn sốt chuyển dịch sang AI tại Indonesia. Mặc dù ông đồng ý rằng AI bot có chi phí tiết kiệm song đi kèm với nó là nhiều chi phí ẩn mà có thể các thương hiệu chưa nhận ra.

“Tôi nghĩ nhiều người sẽ bất ngờ khi chi phí dùng AI livestreamer sẽ không rẻ như những gì họ kỳ vọng”, ông nói.

Vì các AI bot đòi hỏi cao về năng lực xử lý đồ họa, mỗi AI bot sẽ cần một hệ thống máy tính riêng; đồng nghĩa với việc các công ty sẽ phải tăng đầu tư cho mảng này.

Hơn hết, ông Zell nói rằng công nghệ AI bot sẽ cần đến dịch vụ điện toán đám mây chuyên dụng vốn chưa quá phổ biến ở Đông Nam Á. Mặc dù ông Zell không tiết lộ công ty Social Bread của ông đang thu phí dịch vụ AI bao nhiêu song ông thừa nhận công ty chưa tìm được khách hàng sẵn lòng trả tiền. Ông thậm chí chưa biết đã có ai dùng AI bot ở Indonesia hay chưa.

Ông hy vọng phí dịch vụ sẽ giảm trong thời gian 2 đến 3 năm tới nhưng ở thời điểm hiện tại “chúng tôi vẫn cố gắng tìm kiếm mức giá phù hợp với các thương hiệu địa phương”. Bên cạnh đó, ông Zell cũng thừa nhận AI bot – ít nhất là ở hiện trạng – không hiệu quả như người thật.

Fatin Hanani, một livestreamer người Malaysia, tin rằng AI bot, ở thời điểm hiện tại, không thể tương tác với khách hàng hiệu quả như cô. Hiện tại, cô chỉ dùng AI, cụ thể là ChatGPT, để phục vụ công việc dịch thuật.

Làm việc ca đêm

Thiếu tương tác hoặc kết nối với người mua sẽ không mang lại doanh số khả quan, vì thế khi AI bot đến Đông Nam Á, đừng kỳ vọng chúng sẽ được dùng trong các khung giờ vàng, ông Zell nhận định. Nhiều khả năng AI bot sẽ được dùng chủ yếu trong khung giờ từ nửa đêm đến 8 giờ sáng.

Ở viễn cảnh AI ngày càng được cải thiện, liệu chúng có thể thay thế được các livestream? Ông Zell cho rằng AI có lẽ cần tối thiểu 10 năm nữa để có thể thay thế livestreamer người thật. Ông cho rằng người xem, đặc biệt là sau giai đoạn COVID-19, đang muốn thấy các nội dung tương tác người – người hơn bao giờ hết.

Dù vậy, AI đang ảnh hưởng đến thu nhập của các livestreamer tại Trung Quốc. Theo một báo cáo của MIT Technology Review, thu nhập của livestreamer tại Trung Quốc trong năm 2023 đã giảm 20% so với năm 2022.

Ngay cả khi “AI đang chiếm lấy mọi thứ”, Hanani không quá lo lắng về viễn cảnh mất việc cho AI. “Nếu mọi người sợ mất việc vì AI, có lẽ họ nên thử làm việc khác”, cô nói.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục