Shopee, Lazada không dễ lấp đầy khoảng trống TikTok Shop để lại
TikTok Shop xuất hiện cùng mô hình kinh doanh độc đáo kết hợp giữa giải trí và mua sắm đang khiến cuộc chơi TMĐT Đông Nam Á ít nhiều chao đảo.
Giấc mơ TMĐT của TikTok ở Đông Nam Á đang gặp nhiều trở ngại khi chính phủ nhiều quốc gia liên tục đưa ra các ý kiến tiêu cực về nền tảng video này. Thực tế này có nhiều ý nghĩa với các đối thủ TMĐT của TikTok trong khu vực. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Indonesia đang là thị trường mạnh tay nhất khi ban bố lệnh cấm các giao dịch TMĐT trên MXH, mà phần lớn là nhắm tới TikTok.
Sự kết hợp hoàn hảo giữa giải trí và mua sắm mà TikTok sở hữu đang khiến ngay cả các ông lớn TMĐT lo lắng. Li Jianggan, CEO của công ty tư vấn Momentum Works, thậm chí còn cho rằng TikTok Shop dần trở thành một đối thủ cực kỳ nguy hiểm với các công ty thuần bán lẻ như Shopee hay Lazada.
“Mọi người không tìm đến Shopee để giải trí. Họ đến với Shopee để mua hàng, do đó lưu lượng truy cập và thời gian truy cập người dùng dành cho Shopee là rất khác so với TikTok”, vị chuyên gia này nhận định.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của TikTok Shop cũng có thể đang “phá hoại” thế cân bằng trên thị trường mà Lazada hay Shopee đang cố gắng tạo ra. “Lazada và Shopee đang cùng nhau tạo ra một mô hình cạnh tranh bền vững hơn và hướng tới mục tiêu lợi nhuận trên thị trường TMĐT”, Florian Hopee, người đứng đầu công ty Ventor, nói. Ông cho rằng TikTok Shop đang đe dọa phá vỡ điều này bằng cách chi mạnh tay cho trợ giá và khuyến mại.
Khoảng trống không dễ lấp đầy
TikTok Shop hiện tại dừng hoạt động ở Indonesia. Dù vậy, vẫn chưa rõ các đối thủ của nó có thể lấp đầy khoảng trống này bằng cách nào.
Ông Li của Momentum Works nói rằng một số nhà bán hàng Indonesia từng bán hàng trên TikTok Shop đã trở lại với các kênh nhận đơn hàng truyền thống như WhatsApp, thay vì chuyển sang các ứng dụng tượng tự TikTok Shop như Shopee Live. Về phần mình, TikTok chưa hẳn sẽ từ bỏ bởi không loại trừ khả năng nó sẽ ra mắt một ứng dụng TikTok Shop độc lập để tiếp tục triển khai dịch vụ TMĐT ở Indonesia.
Kinh nghiệm của TikTok từ thị trường Trung Quốc và sở hữu một hệ sinh thái logistics, thanh toán và dịch vụ TMĐT phát triển là các lợi thế của TikTok. Trong khi đó, thị trường Đông Nam Á vẫn còn nhiều tiềm năng. Vấn đề hiện tại chỉ còn nằm ở việc liệu TikTok có cho rằng các rào cản có thể đến từ các nhà quản lý các nước có xứng đáng để họ cam kết dấn thân hay không, Tech in Asia viết.
“Ngay cả khi TikTok Shop thua ở Indonesia, nó vẫn còn các thị trường khác đến tấn công”, ông Li khẳng định và đưa ra các ví dụ như Singapore, Việt Nam và Philippines. Ngoài ra, TikTok Shop cũng có thể tái tập trung vào thị trường Bắc Mỹ. Dù vậy, không thể phủ nhận Indonesia là một thị trường quan trọng khi đóng góp 1/3 dung lượng TMĐT Đông Nam Á.
Tech in Asia cho biết trong khi TikTok Shop đang gặp các khó khăn nhất định ở Indonesia và Đông Nam Á, các đối thủ của nó có lẽ đang chuẩn bị nguồn lực cho một cuộc chiến dài hơi hơn ở mảng TMĐT.