Chuyển tiền online dễ gặp rắc rối vì nhập nhằng thuế: Người dân cần làm gì để tự bảo vệ mình?
Không phải khoản tiền nào chuyển vào tài khoản cá nhân cũng sẽ bị đánh thuế. Vấn đề cốt lõi nằm ở bản chất của khoản tiền đó, không phải hình thức.
Đề xuất quy định mới bảo vệ quyền lợi người lao động, hàng triệu người dân cần biết
Không cần giàu, vẫn có thể đầu tư: Bí quyết quản lý tiền thông minh của phụ nữ văn phòng
Trong thời đại số, việc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng trở thành hoạt động thường xuyên với hầu hết người dân. Tuy nhiên, không ít người mang tâm lý lo lắng: "Liệu tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân có bị cơ quan thuế kiểm tra và truy thu không?".
Theo Thạc sĩ Luật Lê Thanh Lâm – chuyên gia tư vấn các vấn đề pháp luật doanh nghiệp cho biết, không phải khoản tiền nào vào tài khoản cá nhân cũng bị đánh thuế.
Chỉ đánh thuế khi có thu nhập phát sinh, không dựa trên hình thức giao dịch
“Hiện nay, nhiều người hiểu sai rằng hễ có tiền vào tài khoản là có rủi ro bị đánh thuế. Nhưng thực tế, cơ quan thuế không đánh thuế dựa vào việc ‘tiền vào’ mà đánh giá trên cơ sở bản chất – khoản đó có phải thu nhập chịu thuế hay không”, ông Lê Thanh Lâm nhấn mạnh.
Ông cho biết thêm, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định rất rõ các nhóm thu nhập phải kê khai và nộp thuế. Ngược lại, những giao dịch dân sự thông thường như vay mượn, biếu tặng không có lợi nhuận, hay chuyển tiền hộ không phải là căn cứ để đánh thuế.

5 nhóm thu nhập bắt buộc kê khai, nộp thuế
Dưới góc độ pháp luật, Ths. Lê Thanh Lâm chỉ rõ 5 nhóm thu nhập phổ biến bắt buộc phải khai báo và đóng thuế theo quy định:
-
Tiền lương, tiền công: Bao gồm lương cơ bản, tiền thưởng, phụ cấp (nếu không miễn thuế). Mức thuế áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
-
Thu nhập từ hoạt động kinh doanh: Người bán hàng online, chạy quảng cáo, cung cấp dịch vụ... nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên, phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.
-
Hoa hồng, phí dịch vụ: Như phí môi giới, tư vấn, chuyển tiền hộ có tính phí. Thuế chỉ áp dụng với phần tiền thu về là phí, không đánh trên phần tiền gốc.
-
Lãi cho vay doanh nghiệp: Khi cá nhân cho doanh nghiệp vay tiền và nhận lãi, khoản lãi này phải đóng thuế suất 5%. Doanh nghiệp là bên có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay.
-
Chênh lệch khi chuyển nhượng bất động sản: Nếu người bán kê khai giá trị thấp hơn thực tế để giảm thuế, cơ quan thuế có quyền ấn định lại và truy thu phần chênh lệch.
9 khoản tiền không thuộc diện chịu thuế
Bên cạnh các khoản chịu thuế rõ ràng, pháp luật cũng quy định nhiều trường hợp miễn thuế dù tiền được chuyển qua tài khoản cá nhân. Ths. Lê Thanh Lâm phân tích:
“Các giao dịch mang tính chất dân sự, không phát sinh thu nhập từ hoạt động thương mại. Chẳng hạn như chuyển tiền giúp, nhận kiều hối hay hỗ trợ tài chính giữa người thân đều không thuộc diện bị đánh thuế”.
Cụ thể, 9 trường hợp sau được miễn thuế:
-
Vay mượn, hỗ trợ không tính lãi giữa cá nhân với cá nhân
-
Lương sau thuế được chuyển tiếp cho người thân
-
Kiều hối chuyển hợp pháp từ nước ngoài
-
Tiền thu hộ – chi hộ như COD (shipper)
-
Chuyển tiền hộ hoặc rút tiền hộ (nếu không thu phí)
-
Khoản chuyển để đáo hạn vay (không giữ lại tiền)
-
Lãi từ cho vay nhỏ lẻ giữa người quen, không mang tính thương mại
-
Bán bất động sản đã nộp đủ thuế theo giá thực
-
Lương từ nước ngoài đã bị đánh thuế ở nước sở tại
“Những khoản này không hình thành thu nhập mới trong nước, do đó không thể coi là cơ sở tính thuế thu nhập cá nhân”, ông Lâm khẳng định.
Làm gì để tránh hiểu nhầm và đảm bảo minh bạch?
Theo chuyên gia, để tránh rơi vào tình huống bị nghi ngờ, cá nhân nên chủ động ghi rõ nội dung chuyển khoản như: “vay tiền”, “tiền mừng cưới”, “hỗ trợ học phí”, “COD”,… Cách này giúp giải trình dễ dàng nếu bị kiểm tra.
Ngoài ra, cần lưu trữ hóa đơn, hợp đồng vay, giấy xác nhận giao dịch... để chứng minh bản chất khoản tiền khi cần. Một nguyên tắc quan trọng là nên tách biệt tài khoản cá nhân và tài khoản phục vụ kinh doanh, để việc xác định nghĩa vụ thuế trở nên rõ ràng, minh bạch.
“Chẳng hạn, nếu bạn vừa bán hàng online vừa dùng tài khoản cá nhân, tiền chuyển vào sẽ khó xác định là thu nhập hay chỉ là hoàn trả tiền mượn. Điều này dễ gây hiểu lầm hoặc bị nghi ngờ gian lận thuế”, ông Lâm cảnh báo.
Điều quan trọng là mỗi người cần phân biệt rõ giữa thu nhập chịu thuế và giao dịch dân sự thông thường. Khi đã hiểu đúng, làm đúng và minh bạch trong việc chuyển tiền, người dân có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng tài khoản ngân hàng mà không lo rơi vào “tầm ngắm” của cơ quan thuế.
“Pháp luật không cấm người dân giao dịch qua tài khoản cá nhân. Cái cần quan tâm là bản chất khoản tiền, không phải hình thức. Do đó, chỉ cần trung thực và rõ ràng thì không phải lo lắng”, ông Lâm kết luận.