Ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ não, bác sĩ cảnh báo nguyên nhân
Trước đây đột quỵ não thường xảy ra ở những người cao tuổi nhưng ngày nay có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi.
Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là tình trạng thiếu máu đột ngột đến một phần não làm cho các tế bào não thiếu ô xy và chết, gây nên các rối loạn vận động về nhận thức, ngôn ngữ, thị giác…
Theo các chuyên gia, nguyên nhân đột quỵ não có thể do người bệnh không kiểm soát tốt khi mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, mỡ máu. Ngoài ra, những thói quen có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ít vận động, chế độ ăn nhiều chất béo… cũng là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Phụ thuộc vào mức độ nặng của đột quỵ, nguyên nhân, độ tuổi bị bệnh, người bệnh có thể gặp di chứng với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Có 5 di chứng thường gặp do đột quỵ não là: liệt vận động; rối loạn ngôn ngữ; suy giảm nhận thức; trầm cảm, rối loạn cảm xúc; rối loạn tiểu tiện.
TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, trước đây đột quỵ não thường xảy ra ở những người cao tuổi nhưng ngày nay có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi. Đột quỵ ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động, đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích…
Chia sẻ nguyên nhân đột quỵ não, BS. Phạm Văn Cường - Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho hay, bệnh lý dị dạng mạch máu não, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường và tăng huyết áp, đặc biệt, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động, uống nhiều rượu bia… là những nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ tuổi mắc đột quỵ não.
Khoảng 50% số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có hút thuốc lá. Thuốc lá có chứa khoảng 7.000 chất độc hóa học như: carbon monoxide, formaldehyde, arsenic và cyanide... Những chất độc này được vận chuyển vào máu sau khi hấp thu vào phổi làm thay đổi và phá hủy các tế bào trong cơ thể. Những thay đổi của các chất hóa học này làm tăng nguy cơ xơ vữa, tổn thương mạch máu não.
Khoảng từ 50-60% bệnh nhân nhồi máu não trẻ tuổi có rối loạn chuyển hóa mỡ máu, trong đó nam giới hay gặp hơn nữ. Người trẻ tuổi với thói quen ăn uống có hại sức khỏe như: ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn… Vì thế họ ngày càng đối diện với các bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ sớm hơn bao gồm bệnh lý đột quỵ, tim mạch.
Khoảng 30% bệnh nhân đột quỵ trẻ ra mắc đái tháo đường và khoảng 10% mắc bệnh tăng huyết áp. Đặc biệt với khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não trẻ tuổi có đái tháo đường lên tới 54,8%. Tại Việt Nam, đang có sự gia tăng nhanh bệnh tiểu đường ở người trẻ, thậm chí với trẻ em. Nhiều ca bệnh được ghi nhận ở trẻ nhỏ từ 9-13 tuổi, thanh niên từ 20-30 tuổi. Thói quen ăn uống thay đổi, lối sống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường khiến độ tuổi mắc tiểu đường càng trẻ, thậm chí có trẻ mới 9 tuổi đã mắc bệnh.
Bằng những thói quen sinh hoạt lành mạnh, người trẻ tuổi có thể đẩy lùi bệnh đột quỵ não như:
- Tích cực vận động thể dục thể thao
- Hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn
- Không hút thuốc lá
- Hạn chế bia rượu, tuyệt đối không dùng chất kích thích…
Ngoài ra, nếu thấy một số dấu hiệu như yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó… bạn nên thăm khám sớm tại các cơ sở y tế để được phát hiện và khám chữa kịp thời.
- Bác sĩ chỉ ra những món ăn mặn tăng nguy cơ đột quỵ
- Thời tiết nắng nóng: Cẩn thận nguy cơ đột quỵ
- Bé gái 8 tuổi đột quỵ, cha mẹ chú ý đến các biểu hiện đột quỵ ở trẻ nhỏ