Chủ nhật, 19/11/2023, 15:00 (GMT+7)

Nấu lẩu Thái - Công thức nước lẩu ngon ngọt, nhìn là thèm

P.V (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Cách nấu lẩu Thái chuẩn vị, nhìn là thèm chắc hẳn được rất nhiều bà nội trợ quan tâm. Để giúp bạn dễ dàng thực hiện món lẩu thái ngay tại nhà, ngay sau đây Tiếp thị và Gia đình sẽ chia sẻ đến bạn công thức nấu nước lẩu ngon, đậm đà. Cùng theo dõi nhé!

Công thức nấu lẩu Thái bằng nước ép trái cây

Lẩu Thái là món ăn ngon được nhiều người yêu thích. Món lẩu này với hương vị chua cay đặc trưng với việc kết hợp nhiều thực phẩm khiến chúng chiều lòng thực khách tốt nhất. Đây cũng là lý do mà công thức nấu lẩu Thái bằng nước ép trái cây tại nhà được chú ý nhiều hơn.

1. Nguyên liệu chuẩn bị nấu lẩu Thái

Nguyên liệu nấu lẩu Thái ngon ngọt sẽ gồm có:

  • Thịt ba chỉ bò 300g.
  • Tôm 300g.
  • Mực 1 con (khoảng 300g).
  • Măng chua 300g.
  • Cà chua 2 trái.
  • Cam 3 trái.
  • Thơm (dứa) 1 trái.
  • Bạc hà 1 nhánh.
  • Đậu bắp 200g.
  • Nấm kim châm 200g.
  • Ngò gai 1 ít.
  • Ngò ôm 1 ít.
  • Rau ăn kèm: Bắp chuối bào, rau muống, cải thảo.
  • Hành tím băm 1/2 muỗng.
  • Tỏi băm 1/2 muỗng canh.
  • Củ riềng băm 1 muỗng canh.
  • Lá chanh 4 lá.
  • Ớt sừng 1 quả.
  • Dầu ăn 1 muỗng canh.
  • Bột gia vị lẩu Thái 2 muỗng canh.
  • Gia vị thông dụng: Muối, đường, hạt nêm.

2. Mẹo chọn nguyên liệu tươi ngon để nấu lẩu Thái

2.1 Cách mua mực tươi ngon

  • Mực tươi sẽ có màu sắc sáng bóng, phần đầu màu nâu xen lẫn nâu sẫm, còn phần thân mực sẽ trắng đục như sữa.
  • Phần thịt mực săn chắc và có độ đàn hồi cao. Khi ấn tay vào phần thân, mực sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái ban đầu và không để lại vết lõm.
  • Mắt của mực tươi màu trong veo, không bị lồi ra ngoài, có thể nhìn thấy rõ con ngươi và không bị vàng hay chảy dịch. Mực không tươi thì phần mắt đã chuyển sang màu đục hơn, đôi khi có dịch chảy ra.
  • Ở mực tươi phần đầu và các xúc tu, râu mực sẽ dính chặt vào nhau, chắc chắn. Mực không tươi thì các phần trên thường mềm nhũn và dễ tách rời.
nau-lau-thai-cach-mua-muc-ngon
Mực tươi sẽ có màu sắc sáng bóng

2.2 Cách chọn cam tươi ngon để nấu lẩu Thái

  • Chọn mua cam có vỏ tươi, sờ vào thấy mướt và bóng, khi bóp nhẹ sẽ có tinh dầu tiết ra ngoài.
  • Nên chọn quả cam có hình dáng tròn đều, cầm chắc tay, đít quả có màu vàng. Nên chú ý đến cuống quả cam, nếu lõm xuống so với bề mặt xung quanh thì đó chính là cam mọng nước.
nau-lau-thai-cach-chon-cam-ngon
Chọn mua cam có vỏ tươi, sờ vào thấy mướt và bóng

3. Cách nấu lẩu Thái bằng nước ép trái cây

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu đã chuẩn bị

  • Rửa sạch các loại rau quả, bạc hà, lột vỏ cắt khúc vừa ăn. Cà chua cắt múi cau, ngò rí và ngò ôm cắt nhỏ, đậu bắp cắt khúc.
  • Mực mua về bỏ ruột, rút xương sống, bỏ răng mực, rửa sạch và cắt khoanh chiều dày khoảng 1/2 lóng tay.
  • Tôm cắt bỏ gai nhọn ở đầu, đuôi và chân, râu, sau đó rửa sạch với nước.
  • Rửa măng chua vài lần với nước cho sạch và bớt chua.
nau-lau-thai-so-che-tom
Tôm cắt bỏ gai nhọn ở đầu, đuôi và chân

Bước 2: Làm nước ép cam và dứa (thơm)

Dùng máy ép hoa quả, ép lấy nước 3 quả cam và 1 quả dứa.

nau-lau-thai-lam-nuoc-ep-cam-va-dua
Làm nước ép cam và dứa

Bước 3: Nấu nước lẩu

  • Làm nóng nồi trên bếp trên lửa vừa, cho 1 muỗng canh dầu ăn vào, thêm 1/2 muỗng canh hành tím băm và 1/2 muỗng canh tỏi băm vào phi thơm, cho 1 muỗng canh củ riềng băm cùng 1 quả cà chua đã cắt múi cau vào xào khoảng 2 phút.
  • Cho 1.5 lít nước vào nấu sôi, cho hết phần nước ép cam và thơm vào. Tiếp theo cho 2 muỗng canh bột gia vị lẩu Thái, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê muối, 2 muỗng canh đường vào đun sôi nhẹ ở lửa nhỏ.
  • Cho thêm 4 lá chanh vo nát nhẹ vào, 1 trái ớt sừng cắt lát mỏng và tiếp tục nấu sôi thêm 5 phút. Nêm nếm lại nước lẩu cho vừa ăn, cho ngò ôm và ngò gai cắt khúc vào, rồi tắt bếp.
nau-lau-thai-nau-nuoc-lau-thai
Nấu nước lẩu Thái

Bước 4: Hoàn thành

  • Cho nước lẩu ra bếp nhỏ hoặc sử dụng nồi lẩu điện, đun cho nước lẩu sôi lên rồi cho 1 trái cà chua đã cắt múi cau, mực, tôm vào.
  • Khi tôm, mực chín và nước sôi nhẹ lại thì bắt đầu cho măng chua và rau mình thích vào như: Bắp chuối bào, rau muống, cải thảo, măng chua, đậu bắp, nấm kim châm...
  • Khi ăn ba chỉ bò tới đâu, bạn nên nhúng thịt vào nồi nước lẩu tới đó sẽ cảm nhận được vị ngọt, mềm của thịt bò.
nau-lau-thai-hoan-thanh
Hoàn thành nấu lẩu Thái bằng nước ép trái cây

4. Thành phẩm

Nấu lẩu thái thành công thì nước lẩu phải có vị chua ngọt nhẹ từ cam và dứa, thơm mùi củ riềng, vị ngọt của tôm, mực và ba chỉ bò ăn kèm một ít măng chua và rau thì thật là tuyệt vời. Nhúng một miếng ba chỉ bò chấm vào chén nước mắm mặn có chút ớt cay cay thì còn gì bằng.

Công thức nấu lẩu Thái thập cẩm nhìn là thèm

Còn gì tuyệt vời hơn khi được quây quần bên bạn bè với nồi lẩu thơm ngon, chuẩn vị. Đây chắc chắn sẽ là trải nghiệm được nhiều người yêu thích nhất. Nấu lẩu Thái thập cẩm tại nhà không chỉ thơm ngon, an toàn mà còn đảm bảo vấn đề vệ sinh.

1. Nguyên liệu chuẩn bị nấu lẩu Thái

Nguyên liệu làm món lẩu này thường gồm có:

  • Gà 1 con (2.3kg).
  • Xương heo 1kg.
  • Ba chỉ bò Mỹ 1kg.
  • Tôm 600g.
  • Má bò 500g.
  • Dạ dày heo 1 cái.
  • Xúc xích 10 cái.
  • Đậu phụ 10 miếng.
  • Rau mồng tơi 2 bó.
  • Rau ngải cứu 2 bó.
  • Rau cần nước 1/2kg.
  • Hoa chuối/ Xà lách/ Rau cải 200g.
  • Nấm kim châm 5 gói.
  • Ngô ngọt 3 quả.
  • Cà chua 3 quả.
  • Dừa tươi 2 quả.
  • Hành tây 1 củ.
  • Cà rốt 1 củ.
  • Củ cải 1/2 củ.
  • Dứa 1 quả.
  • Bún rối 2kg.
  • Lá chanh 6 lá.
  • Riềng 1 miếng.
  • Tỏi 1 củ.
  • Ớt 1 quả.
  • Chanh 1 quả.
  • Dầu ăn 2 muỗng canh.
  • Gói gia vị lẩu Thái 2 gói.
  • Đường/muối 1 ít.

2. Cách nấu lẩu Thái thập cẩm

Bước 1: Chuẩn bị nước lẩu

  • Xương ống mua về rửa qua với nước muối pha loãng rồi rửa thêm với rượu và gừng đập dập, sau đó tráng lại bằng nước sạch để ráo.
  • Tiếp theo, đun 1 nồi nước sôi, thêm vào đó 1 muỗng cà phê muối và chần xương trong khoảng 10 phút để loại bỏ bọt, khử hôi và giúp nồi nước dùng được trong.
  • Sau khi chần xong vớt xương ra, rửa lại, đổ nước chần đi rồi thay nước mới, thả lại xương vào để ninh. Thêm vào đó vài miếng củ cải thái khoanh để nước dùng thêm ngọt thanh. Để nước lẩu ngon thì nên ninh tối thiểu trong 1 - 2 tiếng.
nau-lau-thai-chuan-bi-nuoc-lau
Để nước lẩu ngon thì nên ninh xương tối thiểu trong 1 - 2 tiếng

Bước 2: Sơ chế thịt bò để nấu lẩu Thái

Thịt bò mua về đem chà xát với muối, rồi rửa sạch lại, để ráo và cất lên tủ đông khoảng 15 - 30 phút trước khi thái. Làm vậy sẽ giúp định hình miếng thịt, dễ thái mỏng hơn.

nau-lau-thai-chuan-bi-nuoc-lau
Sơ chế thịt bò để nấu lẩu Thái

Bước 3: Sơ chế tôm

Tôm mua về bỏ phần cặn bẩn ở đầu tôm và rút chỉ đen dọc thân tôm, rửa sạch rồi tráng qua bằng rượu sau đó rửa lại, để ráo. Điều này sẽ giúp khử đi mùi tanh của tôm.

nau-lau-thai-so-che-tom
Sơ chế tôm

Bước 4: Sơ chế dạ dày heo

  • Dạ dày mua về đem lộn trái, rửa trực tiếp dưới vòi nước, dùng dao cạo sạch màng nhầy. Sau đó, thêm một ít bột mì vào bóp thật kỹ để sạch nhớt. Tiếp tục cho muối vào, bóp xát mạnh tay nhiều lần trước khi rửa lại.
  • Tiếp đến, chần sơ dạ dày với nước sôi, vớt ra rửa lại, xát chanh rồi lộn ngược dạ dày lại, cắt bỏ bớt lớp mỡ bám bên ngoài. Sau khi sơ chế xong, đem dạ dày thái thành các miếng dài nhỏ để nhúng.
  • Thịt và hải sản sau khi sơ chế xong bạn nên bọc lại, bảo quản trong tủ lạnh để các nguyên liệu được tươi ngon.
nau-lau-thai-so-che-da-day-heo
Sơ chế dạ dày heo

Bước 5: Sơ chế các nguyên liệu nấu lẩu Thái còn lại

  • Rau cần, rau mồng tơi, rau cải, xà lách, rau ngải cứu bạn nhặt sạch, bỏ phần rễ và lá già. Rồi đem tất cả loại rau đem rửa sạch, ngâm nước muối pha loãng khoảng 7 - 10 phút, để ráo.
  • Hoa chuối thái nhỏ, ngâm ngay trong dung dịch nước muối và chanh pha loãng để hoa chuối không bị thâm rồi rửa lại bằng nước sạch, để ráo. Nấm kim châm cắt bỏ phần gốc, ngâm với nước muối pha loãng trong 20 phút sau đó vớt ra để ráo.
  • Cà chua rửa sạch, bổ múi cau còn ngô ngọt lột vỏ, bỏ râu, rửa sạch rồi cắt khoanh nhỏ dày tầm 1 lóng tay.
  • Cà rốt gọt vỏ, cắt khúc dày khoảng 1 lóng tay. Hành tây gọt vỏ, rửa sạch, cắt làm 4 phần. Dứa thì gọt vỏ, bỏ mắt, rửa sạch và bổ làm đôi, cắt thành từng miếng hình tam giác.
  • Đậu phụ mua về bạn rửa lại với nước, sau đó cắt thành miếng vừa ăn, không nên cắt quá bé vì khi nhúng lẩu sẽ bị nát.
  • Xúc xích rửa qua nước, cắt làm đôi rồi chia phần đuôi miếng xúc xích làm 8 phần, cắt lên đến 1/2 miếng xúc xích thì dừng lại thì khi nhúng xúc xích sẽ có hình con bạch tuộc rất đẹp.
  • Bún rối mua về bạn trần qua bằng nước sôi sau đó để ráo.
  • Riềng, tỏi bỏ vỏ, đập dập. Chanh cắt thành từng miếng. Sả thì cắt khúc dài khoảng 1 ngón tay rồi đập dập. Ớt bạn bỏ hạt, thái đôi.
nau-lau-thai-so-che-cac-nguyen-lieu-con-lai
Sơ chế các nguyên liệu nấu lẩu Thái còn lại

Bước 6: Nấu nước lẩu

  • Chuẩn bị 1 chiếc nồi khác, cho 2 muỗng canh dầu ăn vào. Đợi dầu nóng thì cho hỗn hợp gia vị lẩu Thái gồm: Giềng, dứa, tỏi, lá chanh, sả vào phi thơm rồi thêm cà chua, hành tây vào xào cùng.
  • Xào khoảng 1 phút, bạn cho thêm nước ninh xương, 2 gói gia vị lẩu Thái mua sẵn, 2 quả nước dừa, 5 muỗng canh đường và nước lọc vào, sao cho phần nước lẩu khoảng 10 - 15 lít nước. Đun nước đến khi sôi trở lại thì nêm nếm thêm bớt sao cho vừa khẩu vị.
  • Cuối cùng thêm cà rốt và ngô ngọt vào ninh cùng ở lửa nhỏ trong 10 - 15 phút là xong.
nau-lau-thai-nau-nuoc-lau
Nấu nước lẩu

3. Thành phẩm

Múc nước lẩu ra nồi riêng để đặt lên bếp điện hoặc bếp ga nhỏ. Đợi nước sôi lại, bạn cho lần lượt các loại thịt, hải sản, nấm và rau vào, chờ chín thì múc ra bát ăn kèm bún tươi hoặc mì.

Nồi lẩu Thái thập cẩm thơm ngon, màu nước đỏ sậm hơi ánh vàng của gia vị lẩu, vị chua thanh của dứa vị ngọt của nước hầm xương, hành tây, củ cải, nước dừa hòa quyện cùng gói gia vị lẩu Thái hoàn chỉnh chắc chắn sẽ khiến người ăn phải xuýt xoa tấm tắc khen ngon.

nau-lau-thai-thap-cam-thanh-pham
Nồi lẩu Thái thập cẩm thơm ngon, màu nước đỏ sậm hơi ánh vàng

Những loại rau ăn kèm với lẩu Thái ngon nhất

Ngoài việc nấu lẩu thái chuẩn theo công thức trên, để ăn lẩu thái đúng chuẩn nhất và giúp hương vị của món lẩu nhà làm trở nên đặc biệt hơn, sau đây sẽ là một số loại rau gợi ý bạn không nên bỏ qua.

  • Rau cần: Loại rau này tính mát, có vị ngọt, thân rau cần khi ăn có độ giòn khá hấp dẫn, nhúng lẩu cũng nhanh chín nên rất thích hợp với món lẩu Thái. 
  • Hoa chuối: Hoa chuối cũng được xem là 1 loại rau khi ăn lẩu. Hoa chuối bóc bỏ các lớp bẹ già, thái mỏng, ngâm nước muối cho trắng giòn không còn vị chát, nhúng lẩu ăn rất ngon.
  • Rau muống: Thông dụng và phổ biến nhất, dễ mua và dễ tìm, góp mặt hầu hết trong các nồi lẩu điện khác nhau chứ không riêng gì lẩu Thái.
  • Cải thảo: Cải thảo là loại rau gắn liền với món kim chi. Loại rau này có vị nhạt hơn so với các loại rau khác nhưng lại có nhiều tác dụng với sức khỏe.
  • Cải bẹ xanh: Cải bẹ xanh hay còn gọi là cải cay, chứa nhiều chất xơ, chứa axit folic rất tốt cho máu, ngăn ngừa lão hóa da giúp da dẻ hồng hào.
  • Cải ngọt: Cải ngọt dễ ăn hơn rau đắng, cải xoong. Cải ngọt mềm, nhanh chín nên cũng là 1 sự lựa chọn hợp lý.
  • Rau mồng tơi: Rau mồng tơi rất mềm, có độ nhớt, vị hơi chua chua và chứa nhiều Vitamin C.
  • Rau xà lách: Rau xà lách là loại rau sống phổ biến nhất trong các loại rau sống. Xà lách giàu muối khoáng, có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa và giảm stress hiệu quả.

Trên đây là những chia sẻ về công thức nấu lẩu Thái đơn giản, nhìn lại thèm tại nhà. Hy vọng qua đó đã giúp bạn đọc có thêm những thông tin hữu ích để có thêm được cách chế biến ngon. Đừng quên theo dõi chuyên mục Bếp nhà của Tiếp thị và Gia đình để cập nhật thêm những công thức món ăn thú vị khác nhé!

Từ khóa:
Cùng chuyên mục