Mỹ khuyên người trên 18 tuổi tiêm định kỳ vaccine đậu mùa khỉ
Theo ước tính, khoảng 2 triệu người ở Mỹ trên 18 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng vaccine đậu mùa khỉ theo khuyến nghị của CDC Mỹ.
TTXVN đưa tin, ngày 25/10, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã thông qua khuyến nghị tiêm định kỳ vaccine đậu mùa khỉ của công ty dược phẩm Bavarian Nordic (Đan Mạch) đối với những người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh này. Theo đó, Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) của CDC Mỹ khuyến nghị những người trên 18 tuổi có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ tiêm thường xuyên 2 mũi vaccine Jynneos của Bavarian Nordic. Bavarian Nordic đặt mục tiêu ra mắt vaccine đậu mùa khỉ Jynneos tại thị trường Mỹ vào nửa đầu năm 2024.
CDC Mỹ ước tính khoảng 2 triệu người ở Mỹ đủ điều kiện tiêm chủng theo khuyến nghị này. Kể từ ngày đầu năm 2022 đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 30.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ, trong đó có 54 ca tử vong.
Trước đó, CDC Mỹ chỉ khuyến nghị nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ tiêm vaccine đậu mùa khỉ tại thời điểm dịch bùng phát. Kể từ đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ 2022 - 2023 đến nay, hơn 23% số người thuộc nhóm này đã tiêm 2 mũi vaccine Jynneos.
Tại Việt Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang điều trị 20 ca đậu mùa khỉ, trong đó 18 trường hợp là bệnh nhân HIV, gồm 17 nam và 1 nữ. Ngày 25/10, Sở Y tế TP.HCM đã thông tin nhanh về ca tử vong đầu tiên có liên quan đến đậu mùa khỉ tại Việt Nam. Bệnh nhân tử vong là nam giới snh năm 1994, ngụ tại Long An.
Người bệnh nhập viện ngày 2/10 vì sốt, nổi mụn nước 9 ngày. Sau đó, bệnh nhân được nhập viện cách ly điều trị, xét nghiệm sang thương mụn nước có kết quả PCR dương tính với Mpox (virus đậu mùa khỉ). Bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch nặng với xét nghiệm HIV dương tính và tế bào TCD4 1/uL.
Trong quá trình điều trị, người bệnh bị nhiễm trùng toàn thân nặng với nhiễm nấm Candida xâm lấn, nhiễm Pneumocystis jirovecii, lao lan tỏa, sau đó diễn tiến vào tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng nặng. Các bác sĩ đã tiến hành điều trị tích cực với kháng sinh, kháng nấm, kháng lao, thở máy, lọc máu. Tuy nhiên tình trạng diễn tiến nặng khiến bệnh nhân tử vong sau 18 ngày điều trị tích cực.
Đậu mùa khỉ thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh thường là 6 - 13 ngày nhưng cũng có thể là 5 - 21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy từng giai đoạn bệnh nhưng tương tự đậu mùa. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2 - 3 tuần.
Việt Nam chưa có vaccine phòng ngừa đậu mùa khỉ. Vì thế, để phòng tránh bệnh, các chuyên gia y tế khuyên người dân cần đảm bảo vệ sinh, nâng cao sức đề kháng, thực hiện an toàn tình dục. Người bình thường cần khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát các bệnh mới mắc hoặc bệnh mạn tính không lây. Những người đi từ những nơi có dịch bệnh lưu hành về, nếu thấy bất thường về sức khỏe cần đi khám, khai báo và xét nghiệm kịp thời.
- Đậu mùa khỉ được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B
- Đồng Nai ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên
- TP.HCM: 18 ca bệnh đậu mùa khỉ dương tính với HIV
- Người mắc lupus ban đỏ có phẫu thuật thẩm mỹ được không?
- Nấu cơm từ sáng mang đi ăn trưa có tốt không?
- Số ca uốn ván ở Hà Nội tăng 2,3 lần, làm thế nào để phòng bệnh?
- Mách bạn những cách làm đẹp với dưa chuột vừa rẻ vừa hiệu quả
- Bị bỏng nặng do dùng xăng đốt rác
- 626 loại thuốc vừa được Bộ Y tế gia hạn là những thuốc nào?