Thứ năm, 19/10/2023, 17:14 (GMT+7)

Hơn 100.000 ca tay chân miệng trên cả nước: Chuyên gia khuyến cáo gì?

Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè... khiến số ca tay chân miệng gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Số ca tay chân miệng tăng 91,6% so với cùng kỳ 2022

Theo số liệu thống kê, trong tuần 39, cả nước ghi nhận 7.048 trường hợp mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. So với tuần trước đó, số mắc tăng 3,8%. Như vậy, từ đầu năm đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 100.210 trường hợp mắc tay chân miệng trong đó có 22 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng 91,6%, số ca tử vong tăng 19 ca.

tay-chan-mieng
Số ca tay chân miệng trên cả nước ngày càng gia tăng

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho thấy, trong tuần 38, Hà Nội có 265 ca mắc tay chân miệng (tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó). Bệnh nhân được ghi nhận ở nhiều quận/huyện như: Cầu Giấy, Sóc Sơn, Hoài Đức…

Đáng lưu ý, số ca mắc tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10/2023 đã tăng gấp đôi so với 2 tuần cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8. Cụ thể, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2023, trung bình mỗi tuần, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng. Đến 2 tuần cuối tháng 9/2023, số ca mắc đã tăng lên khoảng 140 ca/tuần.

Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Số ca mắc tay chân miệng tại TP.HCM cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Riêng trong tuần qua, TP.HCM đã ghi nhận 1.532 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 1,5 lần so với trung bình của 4 tuần trước. Như vậy, số ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay khoảng 30.000 ca.

Các quận/huyện với số ca mắc bệnh trên 100.000 dân gồm: Bình Tân, Nhà Bè và Bình Chánh. Hiện TP.HCM đang điều trị cho 346 ca bệnh tay chân miệng, trong đó 103 ca có địa chỉ tại TP.HCM.

Lời khuyên của chuyên gia

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.

Theo các chuyên gia, thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè là những nguyên nhân khiến số ca tay chân miệng gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, BS Đỗ Thị Thúy Nga - Phó Trưởng khoa Nội Tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, có 2 biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Bệnh cũng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh, chỉ trong vòng vài giờ.

Do đó, chuyên gia y tế khuyến cáo, khi điều trị cho trẻ tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Cha mẹ lưu ý không nên tìm hiểu thông tin trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Các dấu hiệu của bệnh tay - chân - miệng ở trẻ:

- Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.

- Tổn thương ở da: rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...

- Một số trẻ có thể đau miệng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc...

Các dấu hiệu bệnh nặng:

- Quấy khóc dai dẳng kéo dài, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ (cứ 15 - 20 phút lại tỉnh giấc, quấy khóc), đây là biểu hiện của tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

- Sốt cao không hạ: trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt Paracetamol.

- Giật mình: là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

- Một số dấu hiệu khác: Khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…

Cùng chuyên mục