Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 11/08/2023, 15:13 (GMT+7)

Điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ: Không nên lạm dụng thuốc

Khi trẻ bị tay chân miệng, phụ huynh không nên lo lắng, lạm dụng thuốc và xét nghiệm quá nhiều vì sẽ gây tốn kém chi phí không cần thiết.

Không nên lạm dụng thuốc khi điều trị tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Nhiều phụ huynh khi thấy trẻ quấy khóc, sốt cao do bệnh này sẽ có tâm lý lo lắng, muốn nhanh chóng điều trị khỏi. Tuy nhiên, có không ít trường hợp bố mẹ đưa con đi làm xét nghiệm nhiều lần và lạm dụng các loại thuốc sẽ gây nguy cơ tổn hại sức khỏe và tốn kém không cần thiết.

Với tâm lý là kháng sinh có thể chữa được bệnh, nhiều phụ huynh cũng tự ý cho con uống. Tuy nhiên cần lưu ý, kháng sinh chỉ dùng được trong tình trạng nhiễm khuẩn còn tay chân miệng là do virus đường ruột gây ra. Bởi vậy, không thể trị được bệnh mà còn dễ gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc nghiêm trọng hơn là làm tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn.

tay-chan-mieng
Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi do có đường ruột yếu (Ảnh: Freepik)

Theo nhiều chuyên gia, việc một số sơ sở y tế hay phụ huynh lạm dụng kháng sinh, thực phẩm chức năng hoặc làm những xét nghiệm không cần thiết (ví dụ: xét nghiệm chủng virus) là điều không cần thiết, gây tiêu tốn tiền bạc. Đối với tình trạng tay chân miệng từ độ 2A trở lên, nên đưa trẻ đến thăm khám, điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên.

Thông thường bệnh tay chân miệng chỉ có những triệu chứng nhẹ, ít nguy hiểm nên phụ huynh không cần quá lo lắng. Phần lớn trẻ mắc bệnh đều có thể tự chăm sóc, điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Tùy theo mức độ bệnh của trẻ, các bác sĩ sẽ có hướng dẫn điều trị cụ thể.

Cách chăm sóc, điều trị tay chân miệng tại nhà cho trẻ

Đối với trẻ bị tay chân miệng ở mức độ nhẹ, sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ cho bé điều trị ngoại trú. Những trường hợp này thường có triệu chứng như sốt dưới 38,5°C, loét miệng, hồng ban mụn nước lòng bàn tay chân, có thể tỉnh táo, chơi bình thường. Lúc này, phụ huynh cần lưu ý chăm sóc cho trẻ như sau:

  • Cho trẻ uống thuốc theo đơn bác sĩ kê, thực hiện cách ly theo đường tiếp xúc và hạn chế cho trẻ chơi cùng các bạn khác để tránh lây nhiễm
  • Sát khuẩn, rửa sạch tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ
  • Vệ sinh và bôi thuốc vùng miệng cho trẻ theo chỉ định (thường sẽ thực hiện trước khi cho trẻ ăn khoảng 30 phút)
  • Chuẩn bị chế độ dinh dưỡng đầy đủ theo mỗi độ tuổi. Cho trẻ ăn các món lỏng, nguội, dễ tiêu và tránh thức ăn chua, cay, mặn,.. Ngoài ra, khi mắc bệnh, trẻ thường bị đau miệng nên hãy chia nhỏ phần ăn ra.
  • Sử dụng quần áo vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi cho trẻ. Tắm rửa bằng nước ấm và thay quần áo hằng ngày cho trẻ.
  • Theo dõi tình trạng của trẻ để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để kịp thời xử lý
tay-chan-mieng 1
Cần theo dõi sát sao các dấu hiệu của trẻ trong quá trình điều trị bệnh (Ảnh: Freepik)

Sở Y tế khuyến cáo cần tăng cường các giải pháp phòng dịch tay chân miệng. Bởi theo dự báo, số ca mắc bệnh và ca nặng sẽ còn tăng trong thời gian tới và có thể kéo dài thêm 3 – 4 tháng. Đặc biệt, thời điểm học sinh quay lại trường học là một trong những nguy cơ gây dịch bệnh lây lan nhanh chóng.

Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi xuất hiện những cảnh báo nặng sau: sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ, ngủ li bì hoặc ngủ gà, giật mình, hốt hoảng, chới với, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, run tay, chân hoặc co giật, vả mồ hôi, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái.

Cùng chuyên mục